Vào thập niên 30, Sanders khởi đầu sự nghiệp bằng việc chế biến gà rán phục vụ cho hành khách dừng chân ở trạm xăng nơi ông đang làm việc tại Corbin, bang Kentucky. Vì lúc ấy ông chưa có nhà hàng nên những vị khách phải ăn trên những chiếc bàn đặt tại trạm xăng của khu phố nhỏ bé. Sau đó, ông lại tạo ra một món ăn gọi là “món thay thế bữa ăn ở nhà” để bán cho những gia đình bận rộn. Ông gọi nó là “Buổi ăn tối ngày chủ nhật, bảy ngày trong một tuần”.
Ông tổ thương hiệu gà rán KFC - Harland Sanders
|
Tuy nhiên, đến năm 1950, một dự án về đường cao tốc liên bang và sự xuống dốc của nền kinh tế buộc Sanders phải bán lại cơ nghiệp ở Corbin, tiểu bang Kentucky, với số tiền chỉ vừa đủ để đóng thuế. Tự tin vào hương vị món ăn của mình nên tuy đã vào tuổi 60, với 105 USD tiền trợ cấp xã hội nhận được, ông vẫn lên đường bán những gói gia vị và cách chế biến gà rán đồng nhất cho những chủ nhà hàng nằm độc lập trên toàn nước Mỹ.
Trong chuyến đi dọc đất nước, Sanders đã bị từ chối 1.009 lần. Ban đầu, chỉ một số ít ông chủ nhà hàng thấy họ có lợi nếu mua công thức mà Sanders đang bán. Dave Thomas, sau này là người lập ra Wendy - chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh chuyên về bánh hamburgers, là một trong những khách hàng đầu tiên của Sanders. Nhưng không phải dễ dàng mà Sanders có được mối quan hệ làm ăn đó. "Lúc đầu, tôi rất băn khoăn về việc tại sao chúng tôi lại mất tiền cho một ông già như thế", Dave kể. Tuy nhiên, lòng đam mê và sự kiên định của Sanders đã thuyết phục được Thomas và hàng trăm cơ sở kinh doanh khác.
Dường như kể từ khi bắt tay vào kinh doanh món gà rán, Sanders chẳng còn đam mê với điều gì khác nữa. Ông không bao giờ chơi golf hay quần vợt. Chẳng có sở thích nào khác ngoài kinh doanh đồ ăn nhanh có thể lôi cuốn được ông. Năm 1935, để ghi nhận những đóng góp của ông cho nghệ thuật ẩm thực của bang Kentucky, Thống đốc bang đã phong tặng ông tước hiệu "Kentucky Colonel" - Đại tá danh dự bang Kentucky. Bốn năm sau, những thiết lập ban đầu của ông đã được liệt kê trong danh sách Duncan Hines “Khám phá những món ăn ngon”.
Khi nhu cầu và những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng về thức ăn lên cao, ông đã di chuyển nhiều nơi nhằm nâng cao chất lượng món ăn của mình. Trong một thập kỷ sau, ông đã thành công với công thức pha chế bí mật của 11 loại hương vị và thảo mộc cùng với kỹ thuật nấu cơ bản mà vẫn được áp dụng đến ngày hôm nay.
Năm 1955, tự tin với chất lượng món gà rán của mình, ông tự phát triển và thành lập doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu. Xấp xỉ 10 năm sau, Sanders đã có hơn 600 chi nhánh ở Mỹ và ở Canada. Năm 1964, ông đã bán phần lợi nhuận 2 triệu USD của mình trong công ty Mỹ cho một nhóm các nhà đầu tư, trong đó có John Y. Brown JR, người sau này trở thành thống đốc bang Kentucky.
Dưới sự quản lý của người sở hữu mới, tập đoàn Gà rán Kentucky đã phát triển nhanh chóng. Công ty đã thực hiện cổ phần hóa ra công chúng vào năm 1966 và được liệt kê trên thị trường chứng khoán New York vào năm 1969, được mua lại bởi PepsiCo vào năm 1986. Đến năm 1997 PepsiCo đã chuyển hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh, bao gồm cả nhãn hiệu KFC, sang một công ty về nhà hàng độc lập, gọi là Tricon Global Restaurant. Ngày nay, công ty (hiện được gọi là Tập đoàn Yum!Brands) là tập đoàn lớn nhất thế giới về số lượng cửa hàng với gần 35.000 cửa hàng trên khắp 110 quốc qua.
Tại Việt Nam, sau 14 năm hoạt động, KFC đã trở thành một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng.
|
Sự đam mê và cống hiến của Sanders là một nguồn động viên lớn đối với toàn bộ đội ngũ nhân viên của KFC. Một ông chủ cửa hàng từng nói: "Nếu mỗi năm tôi không mở một cửa hàng mới, tôi sẽ cảm thấy tôi đang bị Sanders nhấn chìm".
Sanders là một người tỉ mỉ và thể hiện điều đó trong mọi việc ông làm. Ông biết đồ ăn ngon và việc tiếp thị có thể là không đủ với khách hàng. Ông đảm bảo mỗi cửa hàng đều duy trì tiêu chuẩn cao nhất về độ sạch sẽ và phục vụ khách hàng tốt nhất. Mọi thứ được sơn trắng để bất kỳ vết bẩn nào cũng bị phát hiện và xử lý ngay lập tức. Ông cũng là một trong những người kinh doanh nhà hàng đầu tiên đặt các lỗ giữa tường nhà bếp và phòng ăn để cho khách hàng nhìn thấy bếp và các món ăn được chuẩn bị như thế nào.
Đặc biệt sau khi chế biến xong, ông đến chỗ khách dùng món gà rán của mình và làm cái mà ông gọi là "Coloneling" để đảm bảo khách hàng hài lòng với món ăn và sự phục vụ. Ông đã bán bí quyết của mình với giá là 5 xu trên mỗi miếng gà bán tại các đại lý, và hầu hết các cuộc làm ăn được giao kèo chỉ với một cái bắt tay. Với Sanders, thái độ phục vụ, chất lượng và độ sạch là những ưu tiên hàng đầu với bất kỳ cơ sở nào. Ông muốn mọi thứ phải được thực hiện đúng cách. Dù đó đơn thuần là việc lau sàn hay chỉ cho người đầu bếp cách chuẩn bị nước sốt đặc biệt. Không có việc gì trong một nhà hàng mà Sanders không sẵn sàng làm.
Năm 1964, ở tuổi 74, Sanders có hơn 600 đại lý kinh doanh thịt gà ở Mỹ và Canada. Khi mất ở tuổi 90, ông đã du lịch 250.000 dặm mỗi năm để ghé thăm những cửa hàng ăn KFC trên khắp thế giới.
Sự chú ý của Sanders tới từng chi tiết đã khiến ông thu hút được số lượng khách hàng trung thành đáng kể. Họ biết rằng Sanders là đại diện cho một thương hiệu mà họ có thể tin cậy.