Phòng chống bệnh nghề nghiệp trong ngành Điện: Sức khỏe con người là vốn quý nhất

“Cái giá lớn nhất của bệnh nghề nghiệp chính là mạng sống con người. Doanh nghiệp nào từ chối bảo vệ người lao động là từ chối bảo vệ chính mình, đồng nghĩa với việc phải trả một cái giá không hề nhỏ”. Đó là chia sẻ của Thạc sĩ – Bác sĩ (Th.S - BS) Đào Văn Lăng, người tham gia công tác bảo vệ sức khỏe cho người lao động ngành Điện trong nhiều năm qua.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Văn Lăng - Ảnh: Ngọc Cảnh.

PV: Xin ông cho biết, trong một ngành kỹ thuật đặc thù như ngành Điện, thì những loại bệnh nghề nghiệp thường gặp là gì?

Th.S - BS Đào Văn Lăng: Đa số người lao động trong ngành Điện phải làm việc với cường độ cao, dưới thời tiết khắc nghiệt hay trong môi trường khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn. Điều này làm xuất hiện một số bệnh nghề nghiệp thuộc nhóm bệnh bụi phổi như: Bệnh bụi phổi silic, bệnh bụi phổi amiăng và nhóm bệnh do yếu tố vật lý có thể kể đến như, bệnh điếc do tiếng ồn, viêm da...

Cán bộ y tế trong ngành không lạ gì với những anh thợ điện lâu năm có thói quen nói to như quát, hay những người thợ chọc sỉ lò thỉnh thoảng lại khục khặc tiếng ho kéo dài. Bệnh nghề nghiệp thường ở dạng mãn tính, hội chứng bệnh lý phức tạp nên khó phát hiện nếu không tuân thủ đúng các quy trình khám và điều trị bệnh.

PV: Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, EVN đã có những biện pháp gì nhằm giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho người lao động?

Th.S - BS Đào Văn Lăng: Sức khỏe con người là vốn quý nhất. Nguy cơ và hậu quả của bệnh nghề nghiệp không chỉ có người lao động, mà cả doanh nghiệp cũng phải chịu thiệt thòi. Do đó, việc tổ chức tốt và đồng bộ công tác khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho người lao động luôn được EVN quan tâm, duy trì thực hiện đều đặn, hiệu quả. Công tác này nhằm bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người lao động; giúp họ biết được tình trạng sức khỏe của mình, đồng thời phát hiện sớm các dấu hiệu xấu về sức khỏe trước khi chuyển thành bệnh. Tuy nhiên, không chỉ công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động được chú trọng mà việc cải tiến công nghệ, cải tạo môi trường làm việc cũng được EVN thực hiện nghiêm chỉnh.

Tập đoàn đã lắp các hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phun sương giảm bụi cho các nhà máy điện chạy than; làm nhà kính 2 lớp cho công nhân vận hành, nhằm giảm tiếng ồn từ 5 đến 10 dBA trong các nhà máy điện; việc kiểm soát môi trường lao động được tiến hành định kỳ hàng năm, kèm theo đó là  kiểm tra đo đạc các yếu tố môi trường lao động, từ đó có các giải pháp kịp thời khắc phục yếu tố độc hại, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Với các nhà máy điện, vấn đề thông gió được theo dõi, quản lý, cải tạo thường xuyên. Những điều này không những góp phần nâng cao sức khỏe người lao động mà còn làm cho họ yên tâm làm việc, cống hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp.

“Không thể chấp nhận cảnh người lao động phải đánh đổi sức khỏe để kiếm sống. Bởi không được phép quên rằng, bệnh nghề nghiệp tạo ra gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, gia đình và xã hội - một gánh nặng hoàn toàn có thể phòng tránh được” – Phát biểu của Ông Sharan Burrow, Tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Quốc tế nhân ngày An toàn và Sức khỏe lao động thế giới (28/04).

PV: Xin ông cho biết, thực trạng CBCNV ngành Điện mắc bệnh nghề nghiệp trong những năm gần đây ra sao?

Th.S - BS Đào Văn Lăng: Theo thống kê mới nhất, tại Việt Nam, có gần 28.000 người lao động mắc mới bệnh nghề nghiệp. Số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều. Hơn nữa, 74% số ca bệnh thuộc về bụi phổi, tiếp theo là điếc do tiếng ồn (17%). Đó là hai loại bệnh nghề nghiệp đặc thù trong ngành Điện.

Tuy nhiên, với gần 11 vạn CBCNV trong toàn ngành, thì số người lao động mắc bệnh nghề nghiệp hàng năm rất thấp. Năm 2002 là 135 người, năm 2007 chỉ còn 41 người và đến năm 2014 là 45 người mắc bệnh nghề nghiệp (chiếm 0,62 % so với tổng số ca bệnh nghề nghiệp toàn quốc).

PV: Là người tham gia công tác bảo vệ sức khỏe cho CBCNV trong ngành đã nhiều năm, ông có thể chia sẻ những trăn trở của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ngành Điện?

Th.S - BS Đào Văn Lăng: Cái nghiệp của tôi là ngành Y, nhưng lại có cái duyên sâu đậm với ngành Điện. Chăm sóc người bệnh là nghĩa vụ đương nhiên của cán bộ y tế, nhưng với riêng tôi thì công việc ấy trở nên ý nghĩa và gần gũi hơn khi người bệnh đồng thời cũng là những đồng nghiệp của mình.

Làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cho CBCNV ngành Điện là góp phần đảm bảo công tác cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi vậy, bên cạnh việc nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, chúng tôi cũng tự hào với sứ mệnh bảo vệ “nguồn tài sản vô giá và quý báu” này.


  • 30/06/2014 02:01
  • Thanh Huyền
  • 5173


Gửi nhận xét