Để khen thưởng là chất xúc tác…

Khen thưởng là chất xúc tác cho các phong trào thi đua lao động, có tác dụng khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được cho sự phát triển của đơn vị. Dưới đây là ý kiến của một số lãnh đạo đơn vị điện lực về việc thực hiện khen thưởng như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Công ty Điện lực Cầu Giấy

Không cào bằng

Thi đua, khen thưởng để đạt hiệu quả tốt thì phải đúng người, đúng việc, sát thực với người lao động. Nếu thi đua mà chỉ tô vẽ trên giấy tờ để “làm đẹp” báo cáo thì không mang lại ích lợi gì. Người lao động phải thấy họ được công nhận, được đánh giá đúng về công sức lao động bỏ ra thì mới có ý chí cống hiến cho đơn vị.

Đối với đặc thù hoạt động của Công ty Điện lực Cầu Giấy, chúng tôi thường xuyên phát động các đợt thi đua đột xuất, ngắn hạn, ví dụ: Hoàn thành sớm thu nộp tiền điện vào các dịp nghỉ lễ, tết; giảm mức dư nợ tiền điện; thi đua tiết kiệm điện,… để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.

Tùy tính chất, mục đích thi đua mà việc sơ kết, tổng kết thi đua, khen thưởng có thể diễn ra hằng tháng, hằng quý, 6 tháng, hoặc thưởng nóng, đột xuất theo sự vụ.

Thi đua là phải công bằng, không nên cào bằng. Làm tốt, cống hiến tốt thì được thư khen, được tuyên dương, động viên. Nếu lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ thì phải bị phê bình, thậm chí là kỷ luật. Không có chuyện 2 người lao động, 1 người chăm chỉ, xốc vác còn người kia hiệu suất lao động kém hơn mà khi xét lương, thưởng lại được công nhận như nhau.

Mặt khác, quan điểm của tôi là, người trực tiếp lao động phải được khen thưởng xứng đáng. Trong đơn vị chúng tôi, khi xét khen thưởng thì người trực tiếp lao động luôn nhiều hơn người làm gián tiếp. Hiện, chúng tôi cũng đang gấp rút hoàn thiện quy chế mới của Công ty, trong đó, những người lao động trực tiếp là những người được hưởng nhiều quyền lợi nhất.

Ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Công ty Điện lực Thanh Xuân:

Nên động viên cả người chưa làm tốt

Thi đua, khen thưởng, kỷ luật cần phải trung thực, công bằng. Tại Công ty Điện lực Thanh Xuân, từ việc phát động thi đua đến sơ kết, tổng kết hằng quý, hằng năm đều được Công ty thực hiện đúng quy trình, quy định. Tập thể, cá nhân nào qua đánh giá, bình xét của các cấp từ tổ, đội, được Hội đồng thi đua khen thưởng, kỷ luật của Công ty xét duyệt thì sẽ được khen thưởng. Do đó, đã phát hiện được những hạt nhân tiêu biểu của phong trào và khen thưởng kịp thời, tạo cho CBCNV ý thức thi đua, không ngừng vươn lên trong công tác.

Tuy nhiên, không phải tất cả CBCNV Công ty đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong một đợt phát động thi đua, hoặc là trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vẫn còn số ít CBCNV chưa hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đối với những trường hợp ấy, lãnh đạo Công ty xác định việc còn thiếu sót, chưa thành công, không phải họ muốn như vậy, chắc chắn sẽ có những khó khăn khúc mắc cần được tháo gỡ, có thể là chuyện gia đình, chuyện riêng tư, chuyện tài chính, bạn bè và có khi còn là chuyện quan hệ với cán bộ quản lý, lãnh đạo, đồng nghiệp,…

Trong những trường hợp này, từ ban lãnh đạo Công ty đến các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên sẽ phải cùng “vào cuộc”, tìm hiểu, động viên và chia sẻ với họ. Việc gặp gỡ, trao đổi trong lúc này rất quan trọng, bởi không chỉ là truyền thêm cho họ sức mạnh tập thể mà còn giúp họ thấy được tôn trọng, được quan tâm.

Hơn nữa, thông qua gặp gỡ, trao đổi, họ sẽ nhận thức được những nguyên nhân dẫn đến thiếu sót và cả cách khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm ấy. Khi thoải mái tư tưởng, xóa được mặc cảm là người có lỗi, họ sẽ mạnh dạn hơn, hứng khởi hơn, có trách nhiệm và phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

 


  • 22/08/2013 02:46
  • Cảnh - Tuyết
  • 3917


Gửi nhận xét