Nhà báo "nóng" cùng ngành Điện

LTS: Một nữ nhà báo (đề nghị được giấu tên) chia sẻ với chúng tôi, sau nhiều năm theo dõi ngành Điện, chị hiểu ra 1 điều: Ngành Điện không "sướng" như người ta tưởng. Cùng "nằm gai nếm mật" với những gian khổ mà "người nhà đèn" phải gánh chịu, chị càng đồng cảm và chia sẻ với anh em thợ điện nhiều hơn. Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), Chuyên mục Văn hóa EVN xin giới thiệu cùng bạn đọc những kỷ niệm sâu sắc của nữ nhà báo từ những chuyến đi "bão táp" cùng người lao động ngành Điện.

Với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngành Điện luôn được báo giới "chăm sóc" rất kỹ - Ảnh: V.L

Gian nan thợ điện núi rừng

Cuối tháng 7/2009, chúng tôi đi Lai Châu dự Lễ khởi động Chương trình 30a của EVN. Thời kỳ này, Lai Châu đang xảy ra lũ quét nên đoạn đường từ Sa Pa đến Lai Châu lồi lõm khủng khiếp. Đến gần thị trấn Tam Đường, chiếc xe bỗng phanh kít lại. Một vạt núi đổ ụp ngay trước mũi xe, may mà đoạn đường lúc đó không có ai đi lại. Mọi người ngao ngán nhìn đoạn đường bỗng biến thành quả đồi bùn nhão lẫn đất đá, cây cối.

Biết tin, Điện lực Lai Châu vội cho xe đến “ứng cứu”. Trời tối om, người sau cứ lần theo bóng người trước bò trên bãi bùn đất đá lổn nhổn lẫn với cây cối ngổn ngang để tiếp tục hành trình. Mặc dù rất sợ đá trên núi đang đe dọa lở tiếp, nhưng tôi không thể đi nhanh hơn vì sợ lỡ đà trượt chân thì chắc chắn là xuống vực với dòng nước lũ đỏ ngầu đang cuộn chảy.

Mải mò mẫm dò đường, tôi hoảng hốt nhận ra mình đã bị “cắt đuôi” lúc nào không biết. Cuống quá tôi hét toáng lên, một anh công nhân điện lực phải quay lại dắt. Chật vật mãi rồi tất cả cũng đã qua được đoạn đường nguy hiểm.

Tưởng đã xong, ai ngờ đoạn về Tam Đường mới thật khủng khiếp. Đây là đường bị xói lở nghiêm trọng mấy ngày trước, nay bị ngập chìm trong đất đá bùn lầy, khiến chiếc xe cứ chồm lên lại lao xuống như làm xiếc. Thỉnh thoảng mấy cục đá trên núi lại rơi lục cục xuống nóc xe. Tôi hỏi sao không dừng xe để tránh, anh lái xe cười: Biết núi lở chỗ nào mà tránh, thôi thì cứ “chạy đua với núi lở”, vì ai biết ngày mai đoạn đường này còn đi được nữa không.

Vào trường THCS Phúc Khoa (Tân Uyên) – nơi đang tiếp nhận hỗ trợ của EVN theo Chương trình 30a, đường bị xói lở nhiều nên xe bị “treo bụng” mắc vào giữa đường sống trâu, tất cả các nhà báo xuống xe hò nhau đẩy nhưng không được, đành gọi điện cho các thầy giáo mang xe máy ra “tăng bo”.

Ngồi trên chiếc xe cứ nhảy chồm chồm trên đường, tôi không dám thở mạnh khi một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Tôi rụt rè đề nghị xuống đi bộ, thầy giáo động viên: "Chị cứ ngồi yên, đi bộ còn... sợ hơn".

Tôi tò mò hỏi: "Ở đây mọi người có hay bị ngã xe không?". Anh giáo cười: "Ngã nhiều chứ, ai chưa có sẹo vì ngã xe coi như chưa có “chứng chỉ” giáo viên Lai Châu".

Hỏi thêm, tôi được biết, “chứng chỉ thợ điện” còn khó hơn nhiều vì các anh phải lần theo đường dây hàng trăm cây số trong rừng núi, lại còn phải phát tuyến dựng cột, mang vác đồ nghề thiết bị nặng nhọc. Mấy anh Điện lực Lai Châu cho biết thêm: Nhà báo đi lần đầu thấy sợ, chứ chúng tôi ở đây lở núi sạt đồi là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có lần, các anh lần mò cả ngày mới tìm được nơi đứt dây điện để nối lại. Tối về chưa kịp ăn cơm thì được tin nơi đó vừa bị lở núi, cột điện cũng bị “bốc” đi rồi. Vừa hú vía, vừa tiếc công.

Lại kể chuyện đầu tháng 11/2011, chúng tôi đi dự Lễ khởi công Thủy điện Lai Châu. Đoàn nhà báo được đến trước 1 ngày để "mục sở thị" cảnh làm việc tại công trường. Đến nơi, thấy phông bạt, bàn ghế, cờ hoa, loa đài rất hoành tráng. Gần chiều tối, thấy mây đen ùn kéo đến, chúng tôi vội lên xe về nơi nghỉ trong cơn mưa trắng trời. Hôm sau quay lại công trường, ai cũng ngạc nhiên vì tất cả phông bạt, bàn ghế đã thay đổi. Hỏi ra mới biết, tất cả đã bị vùi dưới đất vì tối hôm trước có một trận cuồng phong "ghé thăm" công trường khiến ta luy bên trái bị sạt lở, vùi lấp toàn bộ khu vực sân bãi chuẩn bị cho mít tinh. Không thể bới đất lấy lại đồ nghề, các anh phải dùng xe ủi san phẳng tất cả, sắm lại toàn bộ để chuẩn bị hội trường khác. Nghe nói vì trận mưa này mà chiều hôm trước đoàn lãnh đạo của Bộ Công Thương đã bay đến Điện Biên không hạ cánh được phải quay về Hà Nội, chờ hết mưa mới lại bay tiếp. Khi được hỏi cảm giác về trận sạt lở thế nào, một anh công nhân cười: Cũng sợ thật nhưng đây không phải lần đầu. Ở đây còn những trận lũ đáng sợ hơn nhiều.

Nhọc nhằn thợ điện sông nước

Chuyến đi làm việc tại Chi nhánh điện Ngọc Hiển tại Cà Mau cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Vốn không biết bơi nên tôi nổi cả da gà khi xuống chiếc bo bo bé như hạt đậu so với dòng sông Cái Lớn mênh mông mà không ai có áo phao. Thậm chí, có nhà báo còn hét toáng lên khi chiếc bo bo khởi động bằng cách bốc dựng đứng lên rồi mới xé nước lao đi khiến nước bắn trùm lên đầu.

Cứ mỗi lần chiếc ca nô chồm lên lao xuống trên những ngọn sóng hoặc xé gió lượn nghiêng như làm xiếc qua những khúc cua để rẽ trái, quẹo phải... là mọi người lại thót tim. Mải mê công việc, khi rời Đất Mũi quay về thì trời đã tối hẳn, mọi người không khỏi giật mình khi biết "anh chàng" lái bo bo mới 14 tuổi, chưa bao giờ chở khách đi đêm trên mạng lưới sông rạch chằng chịt này. Điều đáng lo là nhỡ cậu ta lạc đường ra biển thì ôi thôi… Đành tặc lưỡi vì đã trót “cưỡi lưng cá mập”.

Nhìn cậu tài 1 tay điều khiển vô lăng, 1 tay cầm đèn pin lia loang loáng trên sông để dò đường, ai cũng thấp thỏm không yên. Lúc đi chuyện trò râm ran bao nhiêu thì lúc về căng thẳng bấy nhiêu. Chỉ còn tiếng ca nô xé nước trong đêm, những tiếng thở như nén lại. Sau 1 tiếng rưỡi mới về đến bến (bình thường chỉ hết 50 phút), mọi người phờ phạc như vừa từ cõi chết trở về. Thú thật, đêm đó, khi đã chìm vào giấc ngủ, tôi vẫn còn cảm giác mình đang bập bềnh theo từng con sóng.

Tại xã Tân An Tây, nơi Chi nhánh điện Ngọc Hiển đang thực hiện cải tạo lưới điện nông thôn, nhìn anh em  kéo dây, khiêng cột qua các bãi sình lầy mới thấu hiểu hết nỗi vất vả của thợ điện Đất Mũi. Đất phù sa dẻo quánh ngập qua đầu gối, các anh  phải mặc quần đùi, đi chân đất mới lội được bùn, nhưng cứ rút được chân này thì chân kia bị mút lại trong bùn. Chật vật đủn chiếc xuồng qua được bãi sình, anh nào cũng thở như đi đánh trận. Thế nhưng theo các anh thì ngại nhất vẫn là đi thu tiền điện, bởi mỗi hộ chỉ dùng khoảng 20.000 – 50.000 đồng/tháng, chi phí xăng dầu để chạy ghe xuồng đi thu tiền còn nhiều hơn cả tiền điện (chẳng thế mà trong kế hoạch hàng năm của công ty điện lực các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, chỉ tiêu kinh doanh là phấn đấu… giảm lỗ chứ không phải tăng lãi).

Có thật là “Ăn: thợ điện”

Câu nói “Ăn: thợ điện, diện: thợ may” có vẻ như không đúng lắm, ít nhất là với thợ điện Hòa Bình. Một lần theo “nhà đèn” vượt qua lòng hồ Hòa Bình đi kiểm tra điện nông thôn ở Đà Bắc, tình cờ gặp mấy anh điện lực đi thu tiền điện về, tôi vô cùng thích thú khi thấy trên thuyền của các anh nào ngô, khoai, trứng gà, bí xanh... “Bà con quý cán bộ thế cơ à, quà cáp hoành tráng ghê”, một anh cười như mếu: Tiền điện đấy, bà con không có tiền, gán những thứ này. Mất tiền thuê thuyền đi cả ngày rồi, không lấy thì lần sau bà con cũng trả ngô khoai thôi. Đành đem về ăn rồi bù tiền điện cho cơ quan. Làm nghề nào ăn nghề ấy mà, một anh hài hước. Tôi vừa buồn cười, vừa ái ngại cho các anh. Cứ thế này thì chắc vợ con ăn ngô khoai trừ bữa quanh năm thôi.

Thợ điện thủ đô sợ mùa khô

Thợ điện thủ đô sợ nhất mùa khô, khi nhu cầu sử dụng phụ tải tăng, nơi nào lưới kém thì điện cứ “cắc bụp cắc xòe” liên tục. Điện thoại "nhà đèn" nóng bỏng tay vì các cuộc gọi khắp nơi đổ đến. Không nghe thì vi phạm quy định, nghe thì “biết rồi, khổ lắm nói mãi”. Càng giải thích khách hàng càng nghi ngờ.

Còn nhớ năm 2007 - 2008, thiếu điện trầm trọng, cứ 7 giờ tối là thợ điện thủ đô lại tỏa đến từng nhà dân vận động tắt bớt bóng đèn để tiết kiệm điện. Gọi là vận động nhưng chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”, vì cứ đến vận động thì bà con tắt, ra khỏi họ lại bật. Không thể xử lý vì không có luật.

Tôi theo anh Cường (Điện lực Ba Đình) đến phố Kim Mã, gặp ngay một đối tượng “khó chơi”, sau khi nghe anh Cường nhỏ nhẹ khuyên chủ nhà tắt bớt bóng điện để “ích nước lợi nhà”, tôi giật bắn người vì chủ nhà quát rất to “ông bán tôi mua, trả tiền sòng phẳng, có ai khất nợ đâu mà không cho dùng”. Rồi ông quay sang tôi: “Chị nhà báo làm chứng nhé. Tôi không đút lót nên phải tắt bớt điện, mấy nhà cuối phố có tiền đút lót nên vẫn sáng trưng kia kìa”. Tôi bật cười khi nghĩ đến câu “miệng dân sóng bể”, vì anh ta có “đút lót” gì đâu mà khi chúng tôi xuống đến cuối phố thì nhà anh cũng lại bật đèn sáng trưng.

Mùa khô năm nay, tình trạng cắt điện luân phiên không còn, nhưng một số nơi vẫn hay mất điện cục bộ do quá tải, nhất là những làng nghề sản xuất bún, bánh làm việc chủ yếu về đêm, hay những nơi quá đông dân cư. Mất điện lúc nào là thợ điện phải “bổ nhào” xuống hiện trường để xử lý, cấp điện trở lại cho bà con, bất kể ban ngày hay ban đêm. Nhiều lần theo “nhà đèn” đi xử lý sự cố, tôi mới hiểu nỗi khổ của sự "độc quyền". Bởi lẽ, duy nhất ngành Điện bán mặt hàng này nên cứ mất điện là bị gọi đích danh. Giải thích sự cố thì nhiều người chép miệng: “Cứ cắt điện rồi đổ cho sự cố”...


  • 20/06/2013 04:40
  • Khánh Ngọc
  • 2644


Gửi nhận xét