Ông Phan Ngọc Trác, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Điện lực Việt Nam
|
Ông Phan Ngọc Trác, Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Điện lực Việt Nam, sinh năm 1953 - Quý Tỵ:
Quan tâm đến cán bộ trong Ngành trước khi làm công tác xã hội bên ngoài
Là người hết sức giản dị, hằng ngày ông vẫn đi xe buýt đến cơ quan. Ông luôn trăn trở một điều, đó là ngành Điện vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn mà công đoàn các cấp chưa thể quan tâm hết được. Ông khẳng định, dù biết đây là nhiệm vụ khó, nhưng khó đến mấy vẫn phải làm cho bằng được vì đây chính là “mệnh lệnh trái tim” của những người làm công tác công đoàn.
Ông chia sẻ: “Có lẽ dấu mốc làm thay đổi suy nghĩ những người làm công đoàn chúng tôi chính là cái Tết năm 2003, tôi cùng với một số cán bộ của Công đoàn Điện lực Việt Nam, công đoàn cơ sở xuống làm việc với Công ty Điện lực Hải Phòng, sau đó chúng tôi đi thăm và chúc tết một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Gia đình đầu tiên chúng tôi ghé thăm rất nghèo, chồng là thương binh, vợ làm tạp vụ cho Công ty, căn nhà thì lụp xụp, trong nhà chẳng có đồ vật gì đáng giá.
Chuyến đi đó để lại rất nhiều băn khoăn, suy nghĩ cho những thành viên trong đoàn bởi thời điểm đó, Công đoàn Điện lực Việt Nam đã làm công tác xã hội ra ngoài ngành khá tốt. Ngay trong các đơn vị cơ sở cũng vậy, thế mà chính tại đơn vị thì vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn như thế…
Cũng chính từ chuyến đi đó mà lãnh đạo Công đoàn Điện lực Việt Nam đã quán triệt đến lãnh đạo các công đoàn cơ sở rằng: Trước khi thực hiện công tác xã hội ra bên ngoài ngành, chúng ta phải đảm bảo rằng, cán bộ công nhân viên trong ngành phải được quan tâm chu đáo, nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về.”
Anh Hồ Tử Quân, cán bộ Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2
|
Anh Hồ Tử Quân, cán bộ Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2, sinh năm 1977- Đinh Tỵ:
Ham mê thử thách và nỗ lực không ngừng
Xét về đặc trưng tính cách, người tuổi Đinh Tỵ có đặc tính thích phiêu lưu, khám phá, đối mặt với những thách thức mới. Với trường hợp của anh Hồ Tử Quân thì quả chính xác.
Đang làm công tác văn phòng tại PC3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung) với tính chất công việc không mấy áp lực và lại được gần nhà, bỗng dưng anh quyết định chuyển về công tác tại Ban quản lý dự án Thủy điện Sông Bung 2 với cường độ làm việc liên tục và đòi hỏi phải thường xuyên công tác xa nhà, túc trực nơi công trường đang thi công tít tắp vùng biên giới 2 nước Việt - Lào.
Anh chia sẻ: “Thường xuyên lặp đi lặp lại một việc tại một vị trí rồi sẽ có lúc cảm thấy mình bị “ì”. Dám chấp nhận thách thức và thử thách ở vị trí và môi trường mới cũng chính là làm mới mình, tạo cho mình cơ hội lớn hơn. Với tất cả công việc và nhiệm vụ được giao, tôi chưa bao giờ từ chối vì bất cứ lý do nào. Tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất có thể. Mỗi công việc dù lớn, dù bé, khi hoàn thành sẽ trang bị cho mình những kỹ năng và kinh nghiệm đáng quý nhất định. Có lẽ với những cán bộ trẻ như chúng tôi, môi trường công tác tại Ban quản lý dự án thực sự là môi trường hấp dẫn, nhiều thử thách, đòi hỏi bản thân phải luôn cố gắng và cố gắng không ngừng".
Anh Lê Hà Thành, Phó chánh văn phòng Công ty Thủy điện Bản Vẽ
|
Anh Lê Hà Thành, Phó chánh văn phòng Công ty Thủy điện Bản Vẽ, sinh năm 1977 - Đinh Tỵ:
Mong muốn đời sống người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ ngày một đầy đủ hơn
Tiếp đón những đoàn công tác về làm việc với Thủy điện Bản Vẽ, ngoài nhiệm vụ chuyên môn phụ trách công tác văn phòng, anh còn kiêm luôn vai trò người dẫn đường tin cậy. Vùng lòng hồ Bản Vẽ rộng mênh mông là thế, người dân bản xứ nơi đây đi xuồng qua lại còn khó định hình cụ thể các vị trí, vậy mà với anh, vùng hồ này cứ như "nằm lòng" trong bàn tay.
Anh cho hay, ngày trước, muốn đến bản nào anh em cán bộ của Ban quản lý dự án Thủy điện 2 đều phải có người địa phương chỉ đường, nay thì không cần nữa bởi đi mãi rồi cũng quen.
Còn nhớ, khi xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, anh em trong Ban quản lý dự án phải đến từng nhà dân để vận động, thuyết phục người dân chấp thuận chủ trương di dời lên vùng tái định cư. Giờ Thủy điện Bản Vẽ đã đi vào vận hành ổn định, mỗi năm cung cấp trên 1 tỷ kWh cho lưới điện quốc gia, nhưng chuyện đi vận động, thuyết phục bà con di dời, để lại đất xây dựng công trình Thủy điện Bản Vẽ vẫn như là vừa mới hôm qua vậy.
“Nhiều anh em trong Ban vẫn nhắc lại chuyện có những hộ gia đình đồng ý với chủ trương di chuyển về vùng tái định cư. Tuy nhiên, khi đoàn cán bộ của Ban đi kiểm tra tình hình vẫn thấy các gia đình này điềm nhiên như không, chẳng có động tĩnh gì cho thấy tín hiệu sắp di dời cả. Thấy đoàn cán bộ phần nhiều là đàn ông trai tráng, có sức khỏe, bà con “hồn nhiên” nhờ luôn các anh cán bộ giúp tháo dỡ nhà. Trước tình thế đó, các anh em mỗi người liền phụ 1 tay giúp bà con tháo dỡ từng căn nhà. Xong xuôi, anh em lại thuê hộ thuyền chuyên chở đồ đạc về khu tái định cư. Hôm rồi, đi thăm, tặng quà Tết cho bà con trước thêm năm mới 2013, thấy đời sống bà con đồng bào dân tộc nơi vùng tái định cư đã dần ổn định, bước đầu bà con đã biết tính toán làm ăn kinh tế nơi vùng đất mới, anh em cán bộ Công ty Thủy điện Bản Vẽ đều rất mừng”, anh tâm sự.