An toàn lao động: Đừng để quá muộn

Thời gian đã trôi qua nhưng những hình ảnh về tai nạn lao động của hàng chục năm trước vẫn ám ảnh không nguôi trong ký ức và là bài học cho mỗi người lao động Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, nhắc nhở họ trận trọng tuân thủ từng quy trình, quy phạm.

Mỗi người công nhân, lao động cần có ý thức tự giác chấp hành an toàn, vệ sinh lao động - Ảnh minh họa

Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại hiện là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, trang thiết bị phục vụ công tác an toàn và các phương tiện bảo vệ cá nhân, đồng thời được đào tạo bồi huấn kiến thức về an toàn nên ý thức kỷ luật ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, đôi lúc anh chị em cũng không khỏi chạnh lòng khi hồi tưởng lại quá khứ, xót xa nhớ về những đồng nghiệp không may vì một phút lơ là vi phạm quy trình hoặc vì sự cố đột xuất mà bị tai nạn lao động.

Bà Phạm Thị Bích Thủy - Phó chủ tịch công đoàn, Trưởng ban nữ công Phân xưởng Cung cấp nhiên liệu (Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại):

Tiếng "giá như" xót xa của người ở lại

Tôi về công tác tại Phân xưởng Cung cấp nhiên liệu Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đã được gần 30 năm.

Được chứng kiến Công ty ngày một đổi mới, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều danh hiệu cao quý, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng được nâng cao, trong lòng tôi tràn ngập niềm tự hào phấn khởi.

Chạnh lòng nhớ về thời bao cấp đã qua, thời mà cái gì cũng thiếu, cái gì cũng yếu, đặc biệt Phân xưởng Cung cấp nhiên liệu của chúng tôi khi đó được coi là nơi "cùng cực" nhất của Công ty: Thiết bị trong dây chuyền thiếu thốn đủ thứ, con lăn thiếu, băng tải thì ghim, vá chằng chịt…

Đời sống khó khăn, ý thức con người còn kém, băng tải nào cũng ngập than từ đầu đến đuôi, hành lang băng tải cao đến hơn 2m mà khi đi bên trong cứ phải lom khom, ủng đi đến đầu gối nhưng vẫn bị than chảy đầy vào chân, đấy là đối với băng tải trên cao, còn với băng tải ngầm thì còn kinh khủng hơn.

Tôi nhớ một trường hợp tai nạn vô cùng thương tâm xảy ra trong ca trực ngày 1/1/1987. Hôm đó, 1 nhóm công nhân gồm 4 người đang trực băng tải số 7.

Trong khi các tuyến băng tải đang chạy để cấp than cho lò thì băng tải 6/3A bị sự cố tắc ống chuyển tải nên phải dừng để xử lý.

Do các băng tải được đặt liên động với nhau nên khi băng tải 6/3A dừng thì các băng tải phía sau cũng dừng theo, trong đó có băng tải 7.

Khi băng tải 7 dừng thì 2 chị L.T.H và Đ.T.M ngồi trông ở đầu băng còn anh L.V.D và N.C.H về phía đuôi băng để kiểm tra.

Khi phát hiện đuôi băng có rất nhiều than kẹt vào tang đuôi, anh L.V.D liền cầm xẻng chui vào khu vực tang đuôi và ngồi lên nhánh không tải để dọn than (Quy trình cấm đi lại hoặc ngồi trên băng tải kể cả khi băng tải dừng) còn anh C.V.H thì đứng ngoài.

Cùng lúc đó, băng tải 6/3A được chọc ống chuyển tải xong, công nhân trực trung tâm gọi loa yêu cầu trực băng tải 6/3A và băng tải 8 khởi động lại băng.

Khi nghe thấy băng tải 8 chạy, chị Đ.T.M khởi động lại luôn băng tải 7, khi đó anh D vẫn đang ngồi trên nhánh không tải sát với tang đuôi để dọn than.

Do băng tải 7 bị hỏng còi chưa được sửa chữa nên khi băng chạy anh D không biết, không kịp ra ngoài và chỉ trong nháy mắt anh đã bị quấn ngay vào tang đuôi.

Mặc dù đồng nghiệp đứng ngay bên ngoài nhưng cũng không thể làm được gì, anh này chỉ biết chạy lên đầu băng kêu lên một cách tuyệt vọng: “M ơi! mày giết chết thằng D mất rồi” .

Sau đó người công nhân xấu số đã được đưa ra khỏi vị trí bị nạn nhưng anh đã bị vỡ nát sọ và chết ngay tại chỗ.

Nhìn người đồng đội của mình nằm sõng soài, người bám đầy than đen nhẻm, hình hài không còn được nguyên vẹn, không ai có thể cầm nổi nước mắt.

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, mọi người mới nuối tiếc nói với nhau rằng: Giá như còi báo hiệu của băng tải 7 được sửa chữa kịp thời, giá như anh D không vi phạm quy trình ngồi lên băng tải, giá như anh H khi thấy bạn mình vi phạm quy trình mà nhắc nhở ngay, giá như chị M kiểm tra tình hình băng kỹ lưỡng hơn trước khi khởi động lại,… nhưng tất cả mọi cái “giá như” đó đều đã muộn.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ, nhiều năm qua, lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại đặc biệt quan tâm đến công tác này. Hàng năm, Công ty đã lập kế hoạch và thực hiện tốt kế hoạch bảo hộ lao động. Chuyên môn và công đoàn phối hợp thành lập và duy trì hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên hết sức hiệu quả. Người lao động được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, trang thiết bị phục vụ công tác an toàn và các phương tiện bảo vệ cá nhân, đồng thời được đào tạo bồi huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động... nên ý thức kỷ luật ngày càng được nâng cao.

Với những nỗ lực của tập thể lãnh đạo và CBCNV Công ty trong công tác an toàn vệ sinh lao động, tôi chắc rằng CBCNV Phân xưởng Cung cấp nhiên liệu nói riêng và người lao động trong Công ty nói chung sẽ không bao giờ phải nuối tiếc mà nói với nhau cái từ “giá như” đầy cay đắng chua chát thêm một lần nào nữa...

Bà Vũ Thị Ngoãn - Công nhân Phân xưởng Hoá, Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại:

Tai nạn không thể lường trước

Câu chuyện xảy ra với phó quản đốc Phân xưởng Hóa vào một buổi tối tháng 2/1994. Thời điểm này, máy móc, thiết bị, nhà xưởng chưa được hoàn thiện như hiện nay, người lao động trình độ cũng không đồng đều.

Hôm đó, anh được quản đốc phân xưởng phân công phụ trách sửa chữa bơm định lượng axit cùng với công nhân. Quá trình thay thế, chạy thử nghiệm diễn ra nhiều lần, bơm vẫn trong tình trạng lúc được, lúc không.

Đến lần này, vừa đưa bơm vào chạy thử, anh vừa chăm chú nhìn xem bơm dung dịch có đi hay không thì bất ngờ bị một lượng axit đậm đặc phun vào chính diện.

Theo phản xạ, anh quay người đi để tránh nhưng không kịp. Lượng axit phun ra quá nhiều, ướt đẫm cả bộ đồ anh đang mặc.

Với kiến thức và kinh nghiệm của mình, anh bình tĩnh nhắm chặt mắt lại để axit không rơi vào mắt. 2 người đồng nghiệp dìu anh ra vòi nước, cởi bỏ bộ quần áo trên người, dùng vòi nước xối sạch axit, sau đó dùng sôđa 0,5% rửa đi rửa lại nhiều lần để trung hòa rồi dùng nước rửa lại và gọi y tế đến phun trùm dung dịch chống bỏng lên toàn thân, uống kháng sinh liều cao để tránh viêm nhiễm và vô trùng vết thương.

Sau 2 tháng, những vết thương đã liền miệng và chỉ 1 năm sau, da của anh trở lại bình thường.

Chiếc áo bây giờ anh vẫn giữ làm kỷ vật. Hằng năm, khi công nhân lao động trong phân xưởng tổ chức bồi huấn kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, anh - hiện giờ là quản đốc phân xưởng - thường dành thời gian để giảng dạy cho công nhân lao động cách phòng chống và xử lý khi làm việc với hóa chất nguy hiểm.

Anh đã cho chúng tôi những bài học kinh nghiệm quý báu đối với những người công nhân ngành Hóa, phải nắm vững quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc với hóa chất và các phương pháp sơ cứu, cấp cứu nếu không thì rất nguy hiểm, bởi vì các sự cố đều không thể lường trước hết được.


  • 25/03/2013 05:17
  • Hoàng Tuyết (lược ghi)
  • 4860


Gửi nhận xét