Nghe bậc lão thành nói chuyện Tết xưa...

Họ là những người đã gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp làm điện. Hơn nửa thế kỉ trôi qua nhưng dường như trong họ ngọn lửa nhiệt huyết, say mê công việc chưa bao giờ tắt. Mỗi mùa xuân về lại gợi nhớ những cái tết của nhiều thế hệ làm điện. “Những ngày đó đáng lẽ ở bên gia đình, người thân, nhưng những cán bộ, công nhân ngành Điện vẫn tập trung lao động để đề phòng phát sinh sự cố, bởi họ hiểu rằng đó là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực - Vũ Hiền

Lão thành ngành Điện và những mùa xuân

Tôi gặp lại bác Vũ Hiền (nguyên Thứ trưởng Bộ Điện lực) tại ngôi nhà ấm cúng trên phố Vạn Bảo. Trông bác vẫn vậy, nụ cười tươi và ánh mắt sáng. Tạm gác lại công việc dang dở, bác kể cho tôi nghe về những mùa xuân năm xưa của cán bộ ngành Điện. Kí ức cũ ùa về, trông bác rạng rỡ hẳn lên.

Một kỷ niệm không thể quên, đó là quãng thời gian cách đây hơn 40 năm, khi bác Hiền đang là Giám đốc Nhà máy điện tại Hải Phòng. Trong khi mọi người đang háo hức chuẩn bị về quê ăn tết, thì bất ngờ nhận được thông báo mọi người chuẩn bị nhận nhiệm vụ quan trọng. Có một tàu nước ngoài vào cảng Hải phòng bị đắm, do ngâm nước biển dài ngày, đến khi trục vớt toàn bộ các thiết bị trên tàu đã bị hư hỏng. Trách nhiệm sửa chữa đó được giao lại cho các kĩ sư của nhà máy điện của bác Hiền.

Do khối lượng máy móc cần sửa chữa lên tới hàng trăm tấn nên bắt buộc phải huy động cả Nhà máy tham gia. Vậy là kế hoạch đón tết tại gia đình của anh chị em đành hoãn để bắt tay vào nhiệm vụ mới. Nhớ lại ngày đó, bác Hiền bồi hồi: “Vì đã là giáp tết, nên mọi người đều đã mua vé tàu để về quê với gia đình. Nhưng kế hoạch quá đột ngột, tất cả mọi người liền trở lại nhà ga để trả vé. Năm đó, toàn nhà máy không có tết nhưng ai cũng vui vẻ vì nhận ra thứ tình cảm đáng quý, bởi trong lúc khói khăn anh chị em vẫn hiểu, thông cảm và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau”.

Đêm giao thừa năm đó, thay vì luộc bánh chưng và chuẩn bị mâm cơm tất niên thì cả công trường Nhà máy điện Hải Phòng lại rực lửa để sửa chữa máy móc. Tiếng nói chuyện, vận hành máy xen lẫn âm thanh di chuyển vật liệu, thiết bị tạo nên một đêm giao thừa vô cùng đáng nhớ. Dường như đó là một cách đón năm mới, đón mùa xuân rất riêng của những người làm điện đầy trách nhiệm, gắn bó với nghề. Trong lúc khó khăn, tình riêng tạm thời được gạt bỏ vì niềm vui chung. Mùa xuân ấy ý nghĩa không chỉ vì công việc được hoàn thành, mà bởi vì trong những ngày tháng gian khổ, Nhà máy luôn ấm áp tình người.

Dù là tết xưa hay tết nay, công việc của những cán bộ, công nhân ngành Điện dường như vẫn vậy. Yêu cầu của công việc khiến họ tạm quên đi lợi ích bản thân để góp phần tạo nên niềm vui chung cho mọi người. Mùa xuân năm xưa có thể khó khăn về vật chất, nhưng ý nghĩa về tinh thần thì không gì có thể so sánh được.

Nguyên Phó tổng giám đốc EVN - Bùi Thức Khiết

Bát phở nguội ngày đầu năm mới

Suốt gần 60 năm công tác trong ngành Điện lực, bác Bùi Thức Khiết (Nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu lần đi công tác xa, bao nhiêu lần ăn tết vắng nhà. Với bác, mỗi cái tết trên công trường đều là một dấu ấn đáng nhớ.

Mùa xuân năm 1959, khi đó bác Khiết  bắt đầu về công tác tại Ban Quản lý lò hơi Nam Định. Công trường còn dang dở, các chuyên gia yêu cầu phải thử nghiệm cọc kiểm tra độ lún, sức nén của đất để tiến hành để xây dựng lò hơi. Bác Khiết xung phong ở lại trực và kiểm tra tiến độ. Chiều 30 tết mà công việc vẫn chưa xong, nên bác phải ở lại đón tết trên công trường.

Nhiệm vụ thử nghiệm cọc được giao cho bác và một đồng nghiệp nữa, bữa cơm năm mới chỉ có 2 người nên cũng chỉ qua loa. Sáng mùng 1 tết, tất cả các cửa hàng tại thành phố Nam Định đều đóng cửa. Mất khá nhiều thời gian hai người mới tìm được một quán ăn bên đường, nhưng cũng chỉ còn món phở đã nguội lạnh. Bữa ăn đầu năm mới không dễ nuốt, nhưng vẫn phải cố ăn để có sức làm việc. Đến tận bây giờ, bác Khiết vẫn không quên được cảm giác khi ấy: “Thời đó mọi thứ vật chất đều khó khăn, tết ở công trường cũng chẳng khác ngày thường, may mắn lắm thì có vài chiếc bánh chưng. Thế nhưng, những khó khăn ấy không thể nào ngăn được lòng yêu nghề và tinh thần hi sinh cho công việc của những người làm điện”.

Lại nhớ năm 1978, khi đó Lào đang tiến hành xây dựng Thủy điện Nậm Ngừm và cần có sự giúp đỡ của chuyên gia Việt Nam. Ngày 22 tết, bác Khiết lên đường sang Lào công tác. Thế nhưng, không giống ở Việt Nam, người dân Lào không có tết âm lịch mà chỉ có lễ hội té nước Bunpimay vào tháng 4. Vậy là, trong những ngày đầu xuân đó, bác đến với những người bà con Việt Nam xa xứ tại đại sứ quán và cùng họ đón một cái tết với những người “tuy lạ mà quen”.

Bác nói: “Dù điều kiện vật chất ngày xưa rất thiếu thốn, nhưng cái quyết định là tinh thần. Những ngày Tết đáng lẽ ở bên gia đình, người thân, nhưng những cán bộ ngành Điện vẫn tập trung lao động để đề phòng phát sinh sự cố, bởi vì họ hiểu rằng đó là trách nhiệm với xã hội, cộng đồng”. Điều họ cần không phải là quà biếu, tiền lương hay vật chất mà chỉ cần những lời chúc và sự thấu hiểu của người dân cho sự hi sinh đó.

Chân lý của người làm điện

Trong phòng làm việc nhỏ, bác Khiết vẫn miệt mài với công việc. Ở tuổi 75, bác đã có gần 60 năm gắn bó với ngành Điện. Sớm trở thành chuyên gia xây dựng thủy điện, bác đã có mặt ở hầu như tất cả các công trình trên mọi miền đất nước. Từ Nam Định, Thái Nguyên, Hòa Bình, Tuyên Quang, đến Yên Bái… chưa bao giờ bác ngừng làm việc. Hiện nay, bác đang làm cố vấn cho 4 công trình thủy điện và cả 4 công trình đều có thể khởi động chạy máy trong dịp tết này. Vậy là ngày tết năm nay, có lẽ bác cũng sẽ không có mặt ở nhà.

Hơn nửa thế kỉ gắn bó với nghề, biết bao nhiêu mùa xuân đã đi qua, làm điện đã trở thành một thói quen, một sự yêu thích, ham mê lý thú, Vậy nên, chừng nào còn sức thì họ vẫn đi, vẫn cống hiến sức mình để xây dựng lưới điện rộng khắp, mang ánh sáng phục vụ cho đất nước, nhân dân. Chân lý đó sẽ còn mãi và cuộc đời, sự nghiệp của họ luôn là ngọn lửa thôi thúc thế hệ cán bộ ngành Điện sau này vững bước đi theo…
 


  • 18/02/2013 09:48
  • Theo TCĐL số tháng 1+2/2013
  • 3300


Gửi nhận xét