Sếp: Người tôi ngưỡng mộ

Với sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao, sếp luôn là tấm gương và truyền lửa sang nhân viên chúng tôi.

Duy trì nhiệt huyết từ sếp đến nhân viên

Sếp thường suy nghĩ, trăn trở, tìm kiếm ý tưởng sáng tạo mới cho công việc của mình. Sếp ham học hỏi, nhiệt huyết với công việc, là người có trách nhiệm và lạc quan. Khi đối mặt với khó khăn, sếp luôn tìm những cách tích cực để giải quyết vấn đề, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo và nhân viên.

Sếp thường khen ngợi cấp dưới trước mặt những nhân viên khác khi hoàn thành tốt công việc để động viên tinh thần làm việc của mọi người với những lời nói chân tình: “Thật tuyệt vời”, “Không thể chê được”, “Hay quá”…. Những lời khen ngợi này là chất “xúc tác” mạnh mẽ động viên và duy trì nhiệt huyết của nhân viên. Sếp đánh giá công việc chính xác, công minh và là cầu nối tạo sự gắn kết trong nhân viên. Khi một tập thể đoàn kết thống nhất thì mọi khó khăn sẽ dễ dàng được khắc phục và mọi người sẽ làm việc với nhiều sáng kiến hơn.

Hình minh họa

Đầu tàu trong công việc

Trong điều hành và xử lý công việc, sếp luôn đương đầu với thử thách mà không hề trốn tránh. Khi gặp khó khăn, thất bại, sếp sẵn sàng đứng ra nhận trách nhiệm để cùng tìm hướng khắc phục chứ không đổ lỗi cho nhân viên hay tìm cách gạt lỗi cho những người cùng cấp. Sếp là đầu tàu, mạnh mẽ và chủ động trong công việc. Sếp luôn hoạch định công việc phù hợp, mạnh dạn nhận những nhiệm vụ quan trọng, hiểu rõ nhiệm vụ được giao và cùng nhân viên thực hiện. Sếp cũng không ngừng nâng cao trình độ của mình và tạo điều kiện cho nhân viên học những khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn.

Dân chủ và sát cánh trong công việc

Trong công việc hàng ngày và trong công tác quản lý, sếp thường tranh thủ các ý kiến, sự bàn bạc của mọi người qua "hội thảo" của từng nhóm nhân viên. Đó cũng là cách để tạo sức “bật”, tránh sức ỳ và trì trệ trong nhân viên. Sếp luôn nói vói nhân viên: “Gặp việc gì khó cứ trao đổi trực tiếp với tôi nhé, đừng ngại”. Sếp nhã nhặn trong cách cư xử, kể cả những lúc công việc gấp gáp, sếp cũng tránh ra lệnh cho nhân viên, thay vào đó là những lời nói: “Làm giùm nhé”, “giúp tôi”, “hỗ trợ”… Chính sự dân chủ và mềm mỏng trong phong cách làm việc đã khiến nhân viên quý mến, đặt niềm tin vào sếp và tận tâm, tận lực với công việc.

Hài ước và lắng nghe

Sếp tôi cũng thường lắng nghe những băn khoăn, khúc mắc và những đề xuất của nhân viên, đánh giá những ý kiến của nhân viên luôn là gợi ý quý giá cho những sự thay đổi mang tính tích cực. Sếp nghiêm túc và quyết đoán trong công việc, nhưng cũng lại là một người có tính hài ước, không ngần ngại chia sẻ những chuyện trong xã hội, gia đình và bạn bè.

Làm sếp không khó, nhưng để được sự tin yêu và tín nhiệm của nhân viên thì không đơn giản.


  • 26/03/2014 10:38
  • Nguyễn Anh Khường
  • 2481


Gửi nhận xét