Sử dụng chung một ngôn ngữ liệu có tương đồng nét văn hóa doanh nhân?

Doanh nhân người Anh, người Mỹ và người Úc đều sử dụng một ngôn ngữ chung là tiếng Anh. Tuy nhiên họ không chịu ảnh hưởng chung nét văn hóa doanh nhân.

Từ câu chuyện học lực

Các nhà quản lý người Anh có xu hướng thiên về tìm hiểu cái tổng thể hơn là chi tiết. Có thể họ không phải là chuyên gia giỏi nhưng họ quản lý rất tốt bằng vốn kinh nghiệm rộng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, họ không thích đặt nặng vấn đề bằng cấp, nghĩa là quan tâm đến việc người ta làm được gì hơn là người ta đã học được gì ở trường đại học. Vì vậy, ở Anh, bạn ít khi nhìn thấy người Anh in chức danh hay bằng cấp sau tên của họ trên danh thiếp.

Cùng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chung nhưng văn hóa doanh nhân của Anh, Mỹ, Úc có nhiều nét không tương đồng - Ảnh minh họa.

Ở Mỹ thì khác, thành tích học tập của bạn, nơi bạn đã học ở đâu rất được chú trọng. Một người Mỹ sẽ nói “Khi là sinh viên trường Harvard, tôi...”, còn người Anh sẽ nói “Khi là sinh viên, tôi...”, kể cả khi họ từng là sinh viên trường Oxford hay Cambridge danh tiếng. Phong cách quản lý kiểu Anh mang tính thực hành cao.

Khả năng quản lý

Những kỹ năng quản lý và trí tuệ cảm xúc là rất cần thiết để tạo ra kết quả tốt nhất của cả nhóm. Một người quản lý cần có kỹ năng tương tác để liên kết cả nhóm lại với nhau và kỹ năng gắn kết này được đánh giá rất cao. Những quản lý người Anh hiện đại thường tạo mối quan hệ gần gũi và vui vẻ với cấp dưới. Trải qua 40 năm, cấu trúc quản lý ngày càng hoàn thiện và ít cấp bậc hơn. Việc tiếp cận và tương tác lẫn nhau giữa tất cả các vị trí được xem là một phần tích cực trong phong cách quản lý kiểu Anh.

Tuy nhiên, sự thân mật, gần gũi này không có nghĩa là họ sẽ mềm yếu khi đưa ra các quyết định khó. Người Anh cảm thấy khó khi phải nói thẳng và các quản lý người Anh thường chỉ dẫn cấp dưới theo cách gián tiếp, thích nhờ giúp hơn là nói thẳng. Cách nói này của người Anh có khi làm người khác lúng túng.

Đến phong cách làm việc

Việc “ra lệnh” được xem như là không lịch sự và là cách làm không hay, thiếu tế nhị. Người Anh cũng giống như người châu Á, rất khéo léo trong việc sử dụng ngôn ngữ. Anh gần như là nước duy nhất ở châu Âu (có thể kể thêm Bỉ) đặt nặng vấn đề ngoại giao trước khi nói thẳng. Tính cách này chắc chắn không có ở người Mỹ hay người Úc.

Trong những tình huống kinh doanh không mang tính chất đối đầu, người Anh đánh đồng việc nói chuyện một cách thẳng thắn với sự đối đầu cởi mở và e ngại rằng sự thẳng thừng sẽ xúc phạm phía bên kia. Điều này dẫn tới việc người Anh có vẻ như lảng tránh phải đối mặt với tình huống khi họ thực sự tìm kiếm cách nói điều tiêu cực bằng một cách tích cực.

Ngoài việc khéo nói, người Anh còn hay sử dụng ngôn ngữ một cách mã hóa, họ thích nói ra những điều khó chịu bằng cách sử dụng những cụm từ tích cực và dễ chấp nhận hơn. Bởi vì vậy, “Tôi không đồng ý” trở thành “Tôi nghĩ rằng bạn đã thực hiện một số điểm rất tốt nhưng bạn đã bao giờ xem xét tới...” và sự thiếu quan tâm tới một ý tưởng nào đó thường được chào đón bằng “Hmm, đó là một điểm rất thú vị đấy”.

Khi một doanh nhân người Anh phải đối mặt với một người Úc, vốn rất thẳng thắn, họ sẽ nhận xét sự thẳng thắn ấy là “rất mới mẻ” chứ không nghĩ rằng “sao mà gai góc và khó chịu thế”. Người Úc, Mỹ, New Zealand và người Canada thẳng thắn hơn người Anh rất nhiều. Sự hài hước thường được sử dụng phổ biến trong các tình huống kinh doanh.

Thật vậy, khi tình huống càng căng thẳng và khó khăn, người Anh càng hay sử dụng khiếu hài hước. Điều này không phải vì họ không xem xét vấn đề một cách nghiêm túc mà hài hước được sử dụng như một kỹ thuật giảm bớt sự căng thẳng và giúp cho mọi người luôn bình tĩnh, tránh nóng nảy.

Đừng bao giờ đánh giá thấp một doanh nhân người Anh khi cô ấy hay anh ấy sử dụng khiếu hài hước trong những tình huống mà nhìn bề ngoài có vẻ không phù hợp. Sự hài hước là một công cụ giao tiếp quan trọng và được tôn trọng trong mọi hoàn cảnh ở mọi cấp độ. Điều này có thể cũng đúng với người Úc, nhưng không đúng với người Mỹ và người Canada. 


  • 11/12/2013 11:09
  • Tổng hợp theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 1713


Gửi nhận xét