1. Đồng nghiệp “nặng mùi”
Tình huống: Đồng nghiệp của bạn “bốc mùi” khó chịu đến nỗi bạn phải nín thở mỗi khi anh/cô ấy đi qua.
Giải pháp: Nếu không phải là người quản lý, bạn có thể nêu vấn đề này với sếp để sếp giải quyết. Đây sẽ là một cuộc trao đổi đòi hỏi bạn phải có sự khéo léo và tế nhị.
Trong trường hợp bạn là sếp của nhân viên khiến đồng nghiệp phải “bịt mũi”, hãy nghĩ ra một cách tiếp cận thật trung thực, thẳng thắn, nhưng cũng rất chân tình, tế nhị với anh/cô ấy. Bạn có thể trao đổi vấn đề này từ những câu chuyen công so; bắt đầu bằng cách đánh giá tốt về công việc của anh/cô ấy, rồi đi vào vấn đề kiểu như: “Tôi muốn nói với anh/chị một chuyện nhạy cảm và tôi hy vọng là sẽ không xúc phạm anh/chị. Thực ra, anh/chị có mùi cơ thể khá nặng. Có lẽ anh/chị cần giặt quần áo và tắm rửa thường xuyên hơn hoặc tới bác sỹ khám. Thường thì mọi người tự mình không phát hiện ra vấn đề này của mình, nên tôi muốn nhắc để anh/chị chú ý hơn”.
Nhiều khả năng, nhân viên bị nhắc nhở sẽ bối rối, xấu hổ hoặc tìm cách chống chế. Hãy giải thích cho anh/cô ấy rằng, anh/cô ấy phải giải quyết vấn đề vì có ảnh hưởng tới mọi người xung quanh.
Ảnh minh họa
|
2. Đồng nghiệp ho “kinh niên”
Tình huống: Ngày nào cũng vậy, đồng nghiệp ngồi cạnh bàn làm việc của bạn ho liên tục. Tiếng ho rõ to và gây mất tập trung.
Giải pháp: Thực ra, bạn không thể đề nghị ai đó ngừng ho, vì nếu có thể ngừng ho, thì cô/anh ấy đã ngừng rồi. Làm cho anh/cô ấy cảm thấy tồi tệ hơn về tình huống này sẽ chẳng giúp ích gì.
Một giải pháp là bạn có thể dùng tai nghe để bịt tai lại, nhưng cách này không khả thi. Vì vậy, bạn có thể đề nghị sếp cho bạn chuyển bàn làm việc ra một vị trí xa hơn để tập trung vào công việc. Và bạn nên nhớ rằng, bạn khốn khổ vì phải nghe tiếng ho bao nhiêu, thì người bị ho còn khổ hơn bạn gấp nhiều lần.
3. Đồng nghiệp thích ăn mặc “kiệm vải”
Vấn đề: Một nữ đồng nghiệp ăn mặc “thoáng” hơn nhiều so với mức độ hở phù hợp ở môi trường công sở, khiến bạn cảm thấy không thoải mái mỗi khi cô ấy đi qua.
Giải pháp: Hãy có một cuộc trao đổi với cô ấy về quy định trang phục và hình ảnh chuyên nghiệp ở công ty. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Chị đúng là một nhân viên tuyệt vời và tôi cảm thấy hơi kỳ cục khi nói với chị chuyện này. Nhưng có vẻ như áo sơ mi của chị quá mỏng mà chị không nhận thấy điều đó. Chị là người rất chuyên nghiệp, nên tôi không muốn điều này ảnh hưởng tới cách mà mọi người nhìn nhận về chị và tránh việc chị sẽ trở thành đề tài bán tán của vài câu chuyện công sở”.
Hãy đề cập vấn đề vào cuối ngày, để cô ấy không cảm thấy mất tự tin về trang phục trong suốt cả ngày hôm đó.
4. Đồng nghiệp xài nước hoa “quá liều”
Vấn đề: Một đồng nghiệp của bạn ưa thích một loại nước hoa nào đó và mạnh tay xịt khắp người, khiến bạn gần như “ngộp thở” mỗi khi cô ấy đi qua.
Giải pháp: Hãy nói thẳng thắn với cô ấy rằng mùi nước hoa quá “đậm đà” của cô ấy ảnh hưởng tới bạn ra sao, chẳng hạn: “Tôi thích mùi nước hoa của chị. Nhưng tôi bị dị ứng với một số loại nước hoa và gặp vấn đề về hô hấp khi gặp phải mùi nước hoa đậm. Mùi nước hoa của chị rất tuyệt, nhưng liệu chị có thể xịt ít hơn khi đến công ty không?”.
5. Đồng nghiệp lười nhác
Vấn đề: Bạn làm việc cật lực trong khi một đồng nghiệp suốt ngày vào Facebook hoặc chơi game. Tình trạng này lặp đi lặp lại nhưng vì một lý do nào đó mà sếp của bạn không có biện pháp xử lý.
Giải pháp: Hãy cố gắng phớt lờ tay đồng nghiệp lười nhác này. Có thể sếp của bạn để mặc anh/cô ấy lười, nhưng cũng có thể sếp đang bí mật xử lý vấn đề, bạn không biết chắc câu chuyện đang đi theo hướng nào. Và dù điều gì xảy ra, thì việc đó cũng không ảnh hưởng gì đến công việc của bạn, cũng không phải chuyện của bạn. Trong trường hợp đồng nghiệp lười gây ảnh hưởng tới công việc của bạn, chẳng hạn do công việc của bạn phụ thuộc vào công việc của anh/cô ấy, hãy trao đổi với sếp, nhấn mạnh vào vấn đề năng suất công việc của bạn bị ảnh hưởng như thế nào.
Nếu bạn là sếp, đương nhiên bạn cần đứng ra nhắc nhở thói quen làm việc lười biếng của nhân viên.
6. Đồng nghiệp “nói như máy” trong các cuộc họp
Vấn đề: Người đồng nghiệp này “độc quyền” tất cả các cuộc họp bằng những phát biểu dài dằng dặc về những vấn đề chẳng ai quan tâm, ngoại trừ anh/cô ấy.
Giải pháp: Hãy lên tiếng, điều chỉnh lại hướng đi của cuộc họp bằng cách nói: “Đề nghị quay trở lại chủ đề chính của cuộc họp. Tôi nghĩ chúng ta cần phải giải quyết các vấn đề A, B, C trước khi kết thúc cuộc họp”. Hoặc khi cô/anh ấy tạm nghỉ để “lấy hơi”, hãy nói: “Tôi muốn được nghe ý kiến của những người khác về vấn đề này”.
Nếu bạn là người điều hành những cuộc họp nơi có người đồng nghiệp thích nói “hết phần người khác”, hãy gặp riêng anh/cô ấy sau cuộc họp. Hãy nói với anh/cô ấy rằng: “Tôi đánh giá cao những đóng góp của anh/chị, nhưng tôi muốn là những người khác cũng đưa ra ý kiến. Trong cuộc họp tới, tôi rất muốn anh/chị giúp tôi khuyến khích những người khác phát biểu”.
7. Khi bạn chính là người gây vấn đề
Vấn đề: Bạn cho rằng mọi chuyện đều ổn, nhưng đồng nghiệp nói với bạn rằng, hành vi của bạn trong các cuộc họp khiến họ “phát ốm”, hoặc một ứng viên sáng giá trong đợt tuyển dụng của công ty từ chối vào làm vì vấn đề do chính bạn gây ra.
Giải pháp: Đừng chống chế hay tỏ thái độ bảo thủ. Cho dù bạn nghĩ những nhận xét của đồng nghiệp về bạn là hoàn toàn vô căn cứ, hãy lắng nghe phản hồi với một thái độ cởi mở và không quên cảm ơn người đồng nghiệp đã chia sẻ. Riêng việc đưa ra những nhận xét như vậy đã là một việc khó, nên sẽ là không thừa nếu bạn nói cảm ơn.
Sau đó, bạn hãy bình tâm trở lại và suy nghĩ thật kỹ về những gì anh/cô ấy đã nói. Sự thật có đúng như vậy không? Nếu không đúng, tại sao bạn lại bị nhìn nhận theo cách đó? Đôi khi, những lời nhận xét khó chịu lại có thể giúp bạn tìm ra hướng đi đúng đắn hơn.