(Ảnh minh họa)
|
Khi mời đối tác đi ăn, bạn là người chủ động nên phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức bữa ăn. Bạn chính là người quyết định mọi việc có ổn không và khách của bạn có thấy thoải mái không, nên cần chú ý đến mọi chi tiết từ việc mời khách đến khi thanh toán hóa đơn.
1. Lên kế hoạch trước khi mời khách: Sắp xếp thời gian hợp lý. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu có vấn đề nảy sinh khiến bạn phải hoãn hoặc hủy cuộc hẹn thì đối tác sẽ cho rằng bạn làm việc không có kế hoạch và không tôn trọng họ.
2. Chọn nhà hàng: Nên chọn một nhà hàng mà bạn biết, tốt nhất nơi bạn là khách quen, vì ở những nơi như vậy, bạn có thể yên tâm về thức ăn và phong cách phục vụ, chỉ cần tập trung vào công việc thôi. Chú ý đến không khí xung quanh xem bạn có thể đối thoại hay thảo luận một cách thoải mái không? Nếu xung quanh quá ồn khiến đối tác và bạn không thể nói chuyện thì sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc.
3. Thông báo đặt chỗ nhà hàng: Nếu đối tác đề nghị một nhà hàng mà bạn chưa đến lần nào, hãy gọi điện cho chủ nhà hàng, nói với họ rằng bạn sẽ có một bữa ăn với khách hàng quan trọng và có thể đề nghị họ cho ghé thăm trước.
Thông báo lại cho đối tác một ngày trước buổi gặp mặt, nếu đó là bữa ăn sáng hoặc thông báo ngay ngày hôm đó nếu hạn mời họ đi ăn trưa hoặc ăn tối.
4. Chú ý đến chỗ ngồi: Bố trí chỗ ngồi hợp lý cho khách. Khi bạn tiếp chuyện một đối tác, hãy ngồi ở vị trí và góc độ phù hợp. Nếu bạn tiếp 2 người khách cùng lúc thì hãy để một người ngồi đối diện còn một người ngồi bên cạnh.
5. Để khách gọi món trước: Bạn có thể gợi ý một vài món. Hãy chọn số món như khách hàng, không nên chọn nhiều hơn hay ít hơn. Sẽ rất kỳ nếu một người chọn món tráng miệng còn người kia thì không chọn gì.
6. Quyết định nên bắt đầu thảo luận từ đâu: Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời điểm trong ngày và bạn hiểu biết khách hàng của bạn đến đâu. Vào bữa sáng, vì thời gian ngắn nên bạn thảo luận công việc ngắn gọn. Vào bữa trưa, nên chờ đặt món xong và như thế bạn sẽ không bị ngắt lời. Bữa tối là dịp tốt để gây dựng mối quan hệ và chỉ thảo luận sau khi đã hoàn thành món ăn chính.
Khi bạn có mối quan hệ thân thiết với khách hàng, bạn có thể trò chuyện với họ, bỏ qua một số câu chuyện ngoài lề nếu không có nhiều thời gian. Nếu bạn không biết nhiều về khách hàng thì có thể dành thời gian làm quen sau đó mới đề cập đến công việc.
Lưu ý đến thời gian nhưng đừng để khách hàng thấy bạn xem đồng hồ. Bữa sáng nên kéo dài 1 tiếng còn bữa trưa là 1 tiếng rưỡi. Bữa tối nên giao động trong khoảng 2 tiếng.
7. Không nên uống quá nhiều rượu: Nên hạn chế uống nhiều rượu vì có thể làm bạn say. Khi thấy khách hàng uống nhiều rượu, bạn có thể kín đáo yêu cầu người phục vụ không rót thêm hoặc có thể mang đồ uống khác cho khách.
Thành công phụ thuộc rất nhiều vào những gì bạn thể hiện trong bữa ăn. Nếu bạn chú ý đến chi tiết và làm hài lòng đối tác thì họ sẽ cho rằng bạn cũng cẩn thận như vậy khi làm việc, để lại dấu ấn tốt trong lòng khách hàng.