(Ảnh minh họa)
|
“Khi nơi làm việc là nơi tập hợp nhiều cá nhân đến từ những vùng, miền, thậm chí quốc gia khác nhau, mỗi người một thế giới quan, mâu thuẫn là khó tránh khỏi” Andy Teach, tác giả cuốn From Graduation to Corporation (tạm dịch: Từ tốt nghiệp đến công ty) nói.
Theo Teach, "mâu thuẫn không liên quan đến công việc cũng có thể xảy ra tại nơi làm việc, ví như do cách ăn mặc, nói năng, quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo…”.
Chuyên gia Lynn Taylor chia sẻ: "Mâu thuẫn nơi làm việc rất phổ biến, bởi vậy, biết cách khéo léo giải quyết mâu thuẫn nơi công sở có thể coi là một kỹ năng, như bất kỳ kỹ năng nào khác trong công việc”.
Vấn đề là mọi người đều cảm thấy khó chịu khi mâu thuẫn nảy sinh và thường không giải quyết nó một cách triệt để.
Teach cho rằng, người ta thấy khó chịu khi mâu thuẫn bởi “mâu thuẫn” thường khiến liên tưởng tới “đấu tranh”, “xung đột”, “vật lộn”... Con người thường muốn người khác nghĩ theo cách nghĩ của mình, nhìn nhận theo cách nhìn của mình và khi không như vậy thì sẽ xuất hiện cảm giác bị đe dọa.
Một lý do khác nữa khiến cả nhân viên cũng như người quản lý muốn lảng tránh đối mặt với mâu thuẫn là vì họ nghĩ mâu thuẫn sẽ mất đi theo thời gian. Tuy nhiên, chuyên gia Taylor nói "vết thương sẽ mưng mủ khi chúng ta cố che kín nó”. Việc giao tiếp sẽ bị hạn chế, quan hệ giữa các cá nhân cũng vậy, cho đến khi có ai đó đủ dũng cảm để nói ra. Và người đó nên là bạn nếu bạn muốn chấm dứt căng thẳng và tập trung cho công việc.
Cũng có những người không muốn chia sẻ về những mâu thuẫn trong công việc của họ vì họ không muốn bị coi là "chuyện bé xé ra to", hay trở thành "một kẻ hay phàn nàn"...
Tuy nhiên, “trong những tình huống mà mâu thuẫn có thể dẫn tới những thiệt hại về doanh thu, thì cần phải trao đổi ngay với người quản lý” Taylor nói. “Cần ghi nhớ một điều là bạn nên có sẵn một giải pháp.”
Đôi khi bạn có thể tự giải quyết vấn đề của mình và không cần phải làm to chuyện. Teach nói "Nếu bạn có mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn nên nói chuyện với họ trước khi đưa vấn đề lên sếp. Còn trong trường hợp bạn đã cố gắng mà không có kết quả, thì lúc đó sếp của bạn cần tham gia giải quyết".
Nếu mâu thuẫn phát sinh từ một lời nói hoặc việc làm nào đó của chính sếp của bạn thì lúc này bạn lại đứng trước một thử thách mới. “Bạn không thể bỏ qua rắc rối vì nếu như vậy mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn”, Teach giải thích. “Bạn cần phải trao đổi với sếp bằng một cách nào đó mà không khiến cho sếp của bạn có cảm giác đang bị chỉ trích. Hãy để sếp biết rằng điều đó gây phiền phức cho bạn, giải thích tại sao và đề xuất việc cả hai cùng trao đổi để tìm hướng giải quyết".
Trong một vài trường hợp, sếp của bạn hiểu và hợp tác để giải quyết mâu thuẫn, nhưng cũng có thể ngược lại và tình huống trở nên xấu hơn cho bạn. Điều quan trọng là cách thức.
Một khi bạn đã quyết định đặt vấn đề trao đổi với sếp về mâu thuẫn, có một số điều bạn nên (hoặc không nên) làm dưới đây:
Nghĩ ra giải pháp trước khi nói chuyện với sếp. Hãy nhớ rằng sếp của bạn vốn đã rất bận và có nhiều vấn đề cần giải quyết, họ không muốn hoặc cần thêm rắc rối nào khác và họ thuê bạn để làm việc cho họ, giúp cho họ bớt gánh nặng công việc. Hãy học cách giải quyết tình huống, chứ không phải là "bọc đường" những tin xấu. Vậy chỉ nên đến gặp sếp để trao đổi về mâu thuẫn của bạn khi bạn đã có hướng giải quyết, việc trao đổi với sếp chỉ là để bạn có được sự đồng ý của họ cho cách giải quyết của bạn.
Đánh giá trước rủi ro. Công sở cũng là một đấu trường. Đánh giá vị trí của bạn trong mối quan hệ với những người khác để biết trước việc mình làm có đáng với những rủi ro có thể gặp phải.
Chọn thời điểm phù hợp. Taylor cho rằng chọn thời điểm phù hợp là rất quan trọng khi muốn tiếp cận với sếp. Khi sếp đang mêt mỏi thì sẽ dễ nổi cáu. Nhưng khi sếp vừa trở về sau bữa trưa ngon miệng hoặc khi đang trò chuyện cởi mở thân mật với bạn thì đó là thời điểm tuyệt vời để bạn bình tĩnh nói về vấn đề của mình.
Kêu gọi sự giúp đỡ. Lý tưởng nhất là với một thái độ mềm mỏng bạn hãy cho sếp của bạn biết là bạn đang cần sự giúp đỡ. Trừ khi là trường hợp khẩn cấp, hãy xin một cuộc hẹn với sếp và bạn sẽ có thời gian để chuẩn bị trước. Một cuộc nói chuyện bình tĩnh, từ tốn bao giờ cũng có kết quả tốt đẹp hơn là không có sự chuẩn bị trước. Sẽ chẳng có gì là xấu khi bạn nói rằng bạn có rắc rối với đồng nghiệp hoặc khách hàng và cần một sự hướng dẫn.
Mời sếp đi ăn trưa. Bữa trưa thường tạo không khí thân mật và tránh được cảm giác căng thẳng như khi ở văn phòng. Sếp của bạn sẽ dễ tập trung hơn vào vấn đề mà bạn nêu ra.
Có sự chuẩn bị. “Dù là nói về mâu thuẫn của bạn với đồng nghiệp hay với chính sếp của bạn đều cần có sự chuẩn bị”. Teach nói. Thông tin một cách trung thực và tránh đưa ra quan điểm cá nhân. Mâu thuẫn đã xảy ra như thế nào và khi nào? Ai hoặc cái gì đã khiến mâu thuẫn trở nên nghiêm trọng? Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn và cải thiện tinh thần cho tất cả những người liên quan?
Thể hiện sự chuyên nghiệp. Sẽ thật tồi tệ khi nói chuyện với sếp về mâu thuẫn trong lúc bạn đang bức xúc. Hãy giữ bình tĩnh khi nói chuyện với sếp của bạn.
Đừng để lộ yếu điểm. Một khi mâu thuẫn đã được đưa lên để sếp giải quyết, có thể sẽ có việc điều tra ở cả hai phía. Nếu như có điểm nào còn chưa tốt về phía bản thân, bạn hãy chỉnh sửa trước khi báo cáo với sếp. Nếu không có thể bạn sẽ tự hại chính mình.
Thừa nhận sai lầm. Trong bất kỳ mâu thuẫn nào, không thể hoàn toàn là lỗi từ một phía. Teach nói. “Nếu như phần nào là lỗi của bạn, hãy thú nhận với sếp. Như vậy họ sẽ đánh giá cao sự trung thực của bạn và tin tưởng hơn vào lời nói của bạn”.