Để sếp và nhân viên cùng… cười

Ngoài kinh nghiệm lãnh đạo, tầm nhìn và chuyên môn, còn một yếu tố khác rất quan trọng góp phần hình thành nên chân dung người lãnh đạo lý tưởng, đó là khả năng đem lại tiếng cười và không khí thoải mái cho nhân viên khi làm việc.

Chân dung các sếp

Một số vị sếp mang tâm lý “công sở là nhà trẻ”, còn “sếp là mẹ (không) hiền”, với thái độ nghiêm khắc, cứng rắn và giáo điều, vô tình biến môi trường làm việc thành một “đấu trường” quyết liệt hay “Bắc cực” lạnh lẽo, gây ảnh hưởng thiếu tích cực đến tinh thần làm việc của nhân viên.

Một số khác, dù không có được nét duyên hài hước, bù lại, họ luôn nghĩ cách tạo ra niềm vui, cố gắng đem đến cho nhân viên sự thư giãn, thoải mái bằng cách quan tâm đúng mực, một lời nói hóm hỉnh góp vào câu chuyện, một tiếng cười sảng khoái, một phát ngôn vui vui… Chỉ cần vậy thôi, môi trường công sở đã trở nên ấm áp, thân thiện và công việc cũng theo đó mà phát triển.

Đối với số ít sếp sở hữu sẵn sự hài hước, được làm việc cùng họ quả là một niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, điều gì vượt giới hạn thường phản tác dụng. Nếu họ không tự chủ, không biết dừng lại đúng lúc, họ sẽ trở nên nhạt nhẽo và mất "uy" trong mắt nhân viên.

Giúp sếp nở nụ cười

Một vài phút thư giãn giúp cho công việc đạt hiệu suất cao

Cũng có khi, các sếp vì mải mê công việc mà quên mất chuyện giải trí. Hãy giúp họ nở nụ cười, bằng một câu chuyện vui, sự quan tâm đúng lúc, những chia sẻ nho nhỏ trong công việc và cuộc sống…

Tuy vậy, đừng bao giờ đùa vui quá trớn, bởi điều đó đôi khi lại trở thành làm phiền, hay tệ hơn là sự xúc phạm, bởi giữa sếp và nhân viên bao giờ cũng tồn tại một khoảng cách nhất định, không thể vồ vập và thân mật như bạn bè.

Đùa vui như thế nào?

Không phải điều gì cũng có thể đem ra để cười đùa. Những vấn đề tế nhị và nhạy cảm như giới tính, tình dục, tôn giáo, cơ thể…, tốt nhất, bạn đừng đề cập đến nếu không muốn vô tình động chạm vào nỗi niềm của người khác.

Phải biết mình đang đùa với ai để có cách ứng đối thích hợp. Đối với người dễ tính, thích đùa thì khá dễ dàng, còn với những người chân chất hoặc khô khan, phải khéo léo khi đùa nếu không muốn làm mất lòng hay hiểu lầm.

Giữa sếp và nhân viên luôn tồn tại mối quan hệ tương tác chặt chẽ và nghiêm túc trong công việc, nhưng điều đó không có nghĩa là phải biến công sở thành “đấu trường” quyết liệt hay “Bắc cực” lạnh lẽo. Đôi khi, chỉ cần một tràng cười sảng khoái chia sẻ sau một vấn đề khó khăn, mọi việc đã trở nên ổn thỏa.


  • 13/03/2013 09:53
  • Theo vietnamworks.com
  • 1902


Gửi nhận xét