Đặc trưng văn hóa giao tiếp của người Việt Nam

Mỗi quốc gia và khu vực có nền văn hóa và thói quen giao tiếp khác nhau. Người Việt Nam mang bản sắc Châu Á, tuy nhiên có rất nhiều nét khác trong giao tiếp so với các quốc gia trong khu vực. Xét tổng thể, người Việt có 6 đặc điểm trong giao tiếp sau:

Thói quen giao tiếp của người Việt phụ thuộc nhiều vào nét văn hóa cộng đồng, làng xã (ảnh minh họa)

- Thái độ giao tiếp: Vừa thích giao tiếp, vừa rụt rè.

Hai tính cách trái ngược nhau cùng tồn tại, nhưng không hề mâu thuẫn nhau, đó cũng là sự thể hiện tính linh hoạt trong giao tiếp của người Việt Nam.

- Quan hệ giao tiếp: Lấy tình cảm làm nguyên tắc ứng xử.

Nguồn gốc văn hoá nông nghiệp với đặc điểm trọng tình đã dẫn người Việt tới chỗ lấy tình cảm, lấy sự yêu ghét làm nguyên tắc ứng xử. Trong cuộc sống người Việt có lý có tình, nhưng vẫn thiên về tình hơn. Khi cần cân nhắc giữa lý và tình thì tình vẫn được đặt cao hơn lý.

- Đối tượng giao tiếp: Ưa tìm hiểu, quan sát, đánh giá.

Người Việt Nam thích tìm hiểu về tuổi tác, gia đình, nghề nghiệp, trình độ học vấn…của đối tượng giao tiếp. Đặc tính này cũng là một sản phẩm nữa của tính cộng đồng làng xã mà ra. Do tính cộng đồng, người Việt thấy mình tự có trách nhiệm quan tâm tới người khác, nhưng muốn quan tâm hay thể hiện sự quan tâm đúng mực thì phải biết rõ hoàn cảnh. Ngoài ra, do đặc thù ngôn ngữ và các mối quan hệ xã hội, cần tìm hiểu để có cách xưng hô cho thoả đáng. Biết tính cách, biết người để lựa chọn đối tượng giao tiếp cho phù hợp.

- Chủ thể giao tiếp: Trọng danh dự

Danh dự được người Việt gắn với năng lực giao tiếp: Lời nói ra tạo thành tiếng tăm, được lưu truyền đến tai nhiều người, tạo nên tai tiếng. Chính vì quá coi trọng danh dự mà người Việt mắc bệnh sĩ diện. Ở thôn làng, thói sĩ diện thể hiện càng rõ ràng, trầm trọng, nhất là tục chia phần (một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp).

- Cách thức giao tiếp: Ưa sự tế nhị, ý tứ và trọng sự hoà thuận.

Lối giao tiếp tế nhị khiến người Việt có thói "vòng vo tam quốc", không đi thẳng, trực tiếp vào vấn đề như người phương Tây. Chính lối giao tiếp ưa tế nhị này mà người Việt rất đắn đo, cân nhắc trong ứng xử và rồi cũng chính sự đắn đo, cân nhắc này mà người Việt trở nên thiếu quyết đoán trong công việc. Để tránh nhược điểm này hay không để mất lòng ai, người Việt Nam đã thay thế bằng nụ cười.

- Nghi thức lời nói: Hệ thống xưng hô và cách nói lịch sự rất phong phú.

Hệ thống xưng hô có tính thân mật hoá (trọng tình cảm), tính xã hội hoá, cộng đồng hoá cao. Thậm chí, cách nói lịch sự của người Việt Nam cũng rất phong phú, không chung chung như của phương Tây, mỗi trường hợp khác nhau lại có một các xưng hô cho phù hợp. 


  • 31/01/2013 04:56
  • Theo kynanggiaotiep.edu.vn
  • 112825


Gửi nhận xét