Đồng nghiệp thân – chia sẻ ở mức độ nào?

Trong cuộc đời của mỗi con người, ít nhất đều phải trải qua vài ba môi trường tập thể khác nhau. Đó cũng chính là nơi để có thêm những người bạn, những người đồng nghiệp thân thiết. Tuy nhiên, đồng nghiệp thân có phải là người có thể chia sẻ hết mọi điều?

Nên có ranh giới nhất định với cả những đồng nghiệp thân (ảnh minh họa)

Đồng nghiệp thân cũng có thể là “đối thủ”

Đồng nghiệp thân ở cơ quan là người tiếp xúc với bạn 8 tiếng một ngày, thậm chí có thể là hơn, là người có thể cùng bạn làm việc nhóm, ăn cơm văn phòng cùng nhau và chia sẻ những sự kiện vui buồn ở cơ quan, chuyện gia đình, con cái. Hơn thế nữa, họ còn có thể có ảnh hưởng trực tiếp đến sự nghiệp của bạn, có thể làm bạn được thăng tiến, nhưng ngược lại, cũng có thể khiến cho bạn bị sa thải khỏi công ty.

Vì thế, cần nhìn nhận rõ mối thân tình với đồng nghiệp không chỉ được tạo nên từ sự đồng cảm yêu mến nhau, mà còn được thúc đẩy do cùng sinh hoạt trong một môi trường tập thể, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung là phát triển doanh nghiệp. Vì thế, mọi lợi ích cá nhân cũng gắn chặt với lợi ích tập thể. Trong đó, vị trí, năng lực và đôi khi là thiện chí của lãnh đạo dành cho mỗi cá nhân sẽ quyết định trực tiếp đến quyền lợi, thu nhập, sự thăng tiến hay dậm chân tại chỗ của mỗi người.

Chính yếu tố này tạo ra sự cạnh tranh vô hình giữa các đồng nghiệp trong cùng doanh nghiệp, khiến cho sự thân thiết tại công sở giống như con dao hai lưỡi, đôi khi chính người bạn thân thiết ở cơ quan lại là nguyên nhân làm bạn tiêu tan sự nghiệp.

Nên “thân” với đồng nghiệp ở mức độ nào?

Có đồng nghiệp thân thiết tại cơ quan, bạn sẽ được hỗ trợ nhiều trong công việc cũng như những sinh hoạt tập thể ở cơ quan. Khái niệm "bạn thân nhất" có thể tùy thuộc mỗi người. Tuy nhiên, để duy trì mối quan hệ được tốt đẹp và lâu bền, tốt nhất là bạn nên giữ một khoảng cách nhất định với những người bạn này.

Thiết lập ranh giới. Mặc dù điều này có thể gây khó khăn cho những mối quan hệ bạn bè thực sự, nhưng dù sao nó cũng rất cần thiết để tránh những rủi ro làm ảnh hưởng đến công việc và sự nghiệp của ban. Hãy luôn nhớ đến điều này những khi bạn đi chơi, cùng nhau ăn uống, "buôn dưa lê", thậm chí là những lúc tâm sự tưởng như chẳng còn gì phải giấu nhau thì bạn cũng phải tự nghiêm khắc "giữ miệng",  đặc biệt nếu đó là những người ở vị trí giám sát trong văn phòng. Đừng làm khó cho họ và cho cả chính mình.

Giải quyết các rắc rối ngay lập tức. Không giống như bạn bè thông thường, bạn gặp đồng nghiệp suốt cả ngày. Vì thế nếu có rắc rối, hiểu lầm, hãy tìm cách giải quyết vấn đề ngay lập tức nếu không mọi việc sẽ trở nên phức tạp theo từng giờ.

Đừng để chuyện cá nhân xen vào. Điều này thường khó tránh, nhưng hãy nhớ rằng công việc là công việc và nếu bạn không muốn người khác đặt lợi ích cá nhân vào công việc, thì hãy tuân thủ nguyên tắc trước.

Chuyên nghiệp. Nhà quản lý trả lương cho bạn để làm việc, vì thế phong cách làm việc chuyên nghiệp, đến cơ quan đúng giờ giấc, hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn là cách tốt nhất để duy trì công việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn có thể trò chuyện một chút ở chỗ này hay chỗ kia với bạn bè đồng nghiệp nhưng hãy nhớ giới hạn thời gian dành cho việc trò chuyện, chia sẻ.

Đừng bàn luận về các đồng nghiệp khác. Bàn luận những điều (thường là tiêu cực) về các đồng nghiệp khác trong cơ quan với bạn thân không phải là điều đúng đắn, đặc biệt là đừng nên tốn thời gian đề cập tới những nhân vật có vị trí trong cơ quan, vì điều đó chắc chắn sẽ chẳng mang lại điều gì hay ho cho cả hai người.


  • 26/12/2012 02:54
  • Diệu Thảo
  • 2203


Gửi nhận xét