(ảnh minh họa)
|
Chấp hành kỷ luật: Đầu tiên, hành trang bắt buộc mà bạn phải chuẩn bị khi đến công sở là những ứng xử, giao tiếp tối thiểu với cấp trên và việc chấp hành kỷ luật của cơ quan. Việc đến công sở đúng giờ với đồng phục cơ quan (nếu đơn vị bạn quy định mặc đồng phục) là điều bạn nên thực hiện nghiêm túc. Không có điều gì làm cho thủ trưởng bực dọc hơn là thấy bạn đi làm trễ giờ, hay mặc một mình một kiểu khi những người khác đều tuân thủ văn hóa đồng phục. Bạn muốn thành công, hoặc được lãnh đạo đánh giá tốt về bạn thì bạn phải làm việc đúng với kỷ luật.
Văn hóa chào hỏi: Người Việt ta vốn có câu “lời chào cao hơn mâm cỗ”, nếu như trong văn hóa gia đình dòng tộc, nét văn hóa này thể hiện sự cung kính, hiếu lễ theo một thứ bậc nhất định, thì tại công sở, lời chào còn thể hiện thái độ lịch sự và sự tôn trọng người khác. Vậy, chào hỏi ở công sở như thế nào là đúng mực? Thông thường, khi gặp nhau thì nam chào nữ trước, cấp dưới chào cấp trên, trẻ chào già trước, người đến sau chào người đến trước, người từ ngoài vào chào người ở trong phòng. Buổi sáng gặp nhau ở công sở nhất thiết phải chào nhau. Sau ngày nghỉ, sau chuyến đi công tác xa về, kèm theo lời chào mọi người có thể thể hiện sự vồn vã bằng cách bắt tay, thăm hỏi.
Gặp nhau ở hành lang cũng cần hỏi nhau, thay vì cúi mặt hoặc nhìn đi chỗ khác. Nếu trong cơ quan có người không mấy thiện cảm với bạn, hoặc bạn và người đó mới xảy ra mâu thuẫn thì bạn nên chủ động chào trước nhằm khẳng định rằng bạn vẫn luôn tôn trọng người đó và không hề muốn có khoảng cách với họ. Bỗng nhiên không chào nhau là thể hiện “tình trạng chiến tranh” và rất dễ đẩy hai người đến những bất đồng lớn hơn.
Khi đang làm việc, cấp trên bước vào phòng, bạn có thể đứng lên, hoặc nhìn họ để chào. Trường hợp cấp trên đi cùng khách thì phải chào cả lãnh đạo và khách.
Trên thực tế, có nhiều lý do khiến không ít nhân viên tránh mặt để không phải chào cấp trên. Có người nghĩ rằng họ chào lãnh đạo trước là biểu hiện nịnh bợ, có người do mới mắc lỗi trong công việc ngại “chạm mặt” sếp, có người lại đơn giản chỉ vì đi muộn giờ làm… Tuy nhiên, nếu được lãnh đạo chào, thì họ coi đó là sự trân trọng. Một điều tối kỵ là việc lãnh đạo không đáp lại lời chào hỏi của nhân viên. Dù lãnh đạo vô tình không nghe thấy lời chào của nhân viên, thì nhân viên vẫn sẽ có nhiều nhận định không tích cực như: Sếp coi thường cấp dưới, sếp là người lạnh lùng, hay thậm chí, sếp đang có gì không hài lòng với mình...
Bắt tay: Hiện nay, không ít cán bộ công chức chưa thật sự quen với phép xã giao này. Cái bắt tay giúp cho mối quan hệ gần gũi hơn là một cái bắt tay chắc chắn, với thái độ niềm nở, chân thành, không ngoảnh mặt sang hướng khác. Khi có nhiều người cùng giơ tay cho mình bắt, phải bắt tay người có tuổi tác, cương vị cao hơn trong xã hội. Không được vừa bắt tay vừa hút thuốc hoặc tay kia đút túi quần.
Thăm hỏi, chúc tụng cấp trên là việc hầu hết các nhân viên đều quan tâm. Tuy nhiên, khi thăm hỏi cấp trên, một vài nhân viên lại thể hiện sự thái quá bằng những câu nói, hành động xu nịnh quá mức cần thiết làm hạ thấp giá trị bản thân mình, thậm chí làm cấp trên thấy xấu hổ vì “bị nịnh thô”. Vì vậy, cần có sự đúng mực, vừa thể hiện được thành ý với lãnh đạo, vừa giữ được sự tôn trọng người được thăm hỏi.
Mặt khác, thăm hỏi, khuyến khích cấp dưới là việc không phải lãnh đạo nào cũng quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế khi được lãnh đạo thăm hỏi, cấp dưới rất dễ cảm động, lời thăm hỏi của cấp trên có tác dụng như một sự quan tâm, lời khen động viên.