Để có lời xin lỗi hiệu quả

Tôi được mời đến để giúp giải quyết rắc rối giữa Rick và Jim - sếp của Rick. Xung đột đã xảy ra và đạt đến đỉnh điểm khi Jim quát to vào mặt Rick trong một cuộc họp: “Tôi không biết tại sao tôi lại cứ phải chịu phiền phức vì cậu. Cậu là người vô dụng”.

Rick run lên và vội vã rời khỏi phòng, trong khi Jim tiếp tục hét to “Vô dụng và hèn nhát nữa”. Tất cả mọi người trong cuộc họp lặng thinh. Nhiều người vờ ngó lơ chỗ khác, hoặc tròn mắt sững sờ.

(Ảnh minh họa)

Hóa giải xung đột

Trước tiên tôi ngồi nói chuyện riêng với từng người để nghe câu chuyện từ cả hai phía.

Jim thổ lộ rằng anh ta chịu sức ép từ cấp trên về doanh thu và thấy cần thức tỉnh đội ngũ nhân viên của mình. Anh ta đã rất căng thẳng còn Rick thì vô tình lại gây kích động thêm khi không trả lời và tỏ ra bối rối trước câu hỏi của Jim.

Rick nói với tôi là Jim gần như là áp bức cậu ta. Jim nói với Rick với giọng điệu sỉ nhục khiến cậu stress và đầu óc trống rỗng.

Sau khi gặp gỡ riêng từng người, tôi gặp cả hai cùng lúc và áp dụng một phương pháp tôi đã sử dụng nhiều năm nay đối với các cặp vợ chồng ly hôn. Vấn đề then chốt là: Bạn không thể tỏ ra thông cảm ngay với một người sau khi vừa quát mắng họ. Nói cách khác bạn không thể cùng lúc vừa xỏ vào giày của người khác lại vừa giẫm lên chân họ.

Tôi hỏi Jim: “Hãy đứng vào vị trí của Rick và cho tôi biết, Rick cảm thấy thế nào khi rời khỏi phòng họp”.

Với một chút hối hận và xấu hổ, anh ta trả lời: “Tôi nghĩ Rick cảm thấy bị áp bức và kẻ áp bức là tôi”.

Rick bị tác động và thậm chí hơi xúc động khi nghe lời thú nhận của Jim.

Rồi tôi hỏi Rick: “Hãy đứng vào vị trí của Jim và cho tôi biết, điều gì xảy ra với Jim tại thời điểm anh ấy quát tháo Rick?”.

Rick trả lời: “Tôi nghĩ anh ấy đang chịu sức ép lớn và điều đó khiến anh ấy stress”.

Nghe vậy, Jim đã cảm thấy bình tĩnh hơn và có thái độ hòa giải.

Cuối cùng, tôi đề nghị hai người nhìn thẳng vào nhau và yêu cầu Jim nói với Rick: “Tôi xin lỗi đã quát mắng và làm cậu bẽ mặt trong cuộc họp. Và tôi đã sai khi làm như vậy”.

Đó chính là thời điểm Rich không kiềm chế được cảm xúc và bật khóc. Lần này, chính Jim là người cảm thấy bối rối và nhìn đi chỗ khác.

Khi Rick đã bình tĩnh lại tôi hỏi: “Anh thấy thế nào?”

Anh ta nhìn tôi với đôi mắt đỏ hoe và nói: “Tôi chưa từng được xin lỗi như vậy và càng chưa từng được cấp trên thừa nhận là đã sai khi làm tôi tổn thương”.

Câu nói đó đã đánh gục cả tôi và Jim.

Để có lời xin lỗi hiệu quả

Bạn có cần phải xin lỗi ai không? Nếu có thì đừng chỉ nói một câu đơn giản “Tôi xin lỗi”. Hãy nói một lời xin lỗi hiệu quả hơn với ba phần như sau:

1. Thừa nhận bạn đã sai và bạn xin lỗi. Nói rõ việc bạn đã làm sai và xin lỗi.

2. Cho họ thấy bạn hiểu tác hại của việc bạn làm đối với họ: Bạn không cần phải đi đến một kết luận hoặc đưa ra một giả thuyết về việc họ cảm thấy thế nào hoặc nghĩ gì, chỉ cần cố gắng đứng vào vị trí của họ để hiểu cảm xúc của họ.

3. Nói với họ rằng bạn sẽ cư xử khác trong tương lai và việc bạn đã làm với họ sẽ không lặp lại: Bạn khẳng định lại là bạn sẽ thay đổi cách cư xử trong tương lai, đừng xin lỗi qua loa sau mỗi lần va chạm chỉ để sớm kết thúc cuộc đối thoại.


  • 26/03/2013 10:31
  • Huyền Thu (biên dịch theo http://www.businessinsider.com)
  • 2172


Gửi nhận xét