Nhận xét trong công việc - Một câu đố, một sự trừng phạt hay một món quà?

Tất cả mọi người đều muốn được biết vị trí của mình đang ở đâu, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng để nghe nhận xét về mình. Những lời nhận xét có thể là một món quà, có thể là một câu đố và cũng có thể là sự trừng phạt.

(Ảnh minh họa)

Một câu đố

Dưới đây là một số ví dụ điển hình nhận xét về người lãnh đạo:

“Đôi khi ông ấy khiến những người khác cảm thấy bị lấn át”

“Ông ấy là người khó hiểu và cần điều chỉnh phong cách làm việc của ông ấy”

Sau khi đọc những nhận xét trên bạn nhận thấy điều gì? Chắc chắn bạn thấy có điều gì đó không ổn, nhưng không biết chính xác là cái gì và cần phải làm gì để đáp lại những nhận xét như vậy. Nhận được những nhận xét như vậy giống như bạn nghe tiếng còi phạt của trọng tài, nhưng bạn lại không được xem những gì đang diễn ra trên sân, không biết chuyện gì bất ổn đang xảy ra.

Nhận xét kiểu câu đố như vậy không giúp ích nhiều cho bạn, nhưng cũng giúp cho bạn biết được có điều gì đó không ổn. Và hơn nữa, chắc rằng bạn sẽ rất quan tâm đến việc tìm hiểu cho ra vấn đề.

Sự trừng phạt

Có những lời nhận xét giống như một sự trừng phạt. Đây không phải là kiểu nhận xét với mục đích xây dựng, đây là “sản phẩm” của sự tức tối, giận dữ. Giá trị duy nhất của lời nhận xét này là cho bạn biết một ai đó đang giận dữ với bạn. Vấn đề ở chỗ: “Mỗi một hành động nào đó được thực hiện sẽ luôn có một phản lực tương ứng”. Bạn lập tức sẽ muốn đáp trả mạnh mẽ tương ứng với những gì bạn nhận được.

Vài năm trước, tôi và một đồng nghiệp đã phải đón nhận phàn nàn từ một khách hàng đang rất giận dữ. Trong khi tôi chuẩn bị cho cuộc gặp thì đồng nghiệp của tôi chuẩn bị giấy tờ ghi chép. Cô ấy nói với khách hàng: “Để tôi ghi lại những điều ông nói, tôi muốn hiểu rõ vấn đề của ông”. Bất cứ điều gì vị khách hàng của tôi nói ra, đồng nghiệp của tôi đều ghi lại và hơn nữa còn hỏi lại cho thật chắc chắn trước khi đặt bút ghi.

Sau khi trút phàn nàn vào 2 chúng tôi, sự giận dữ của vị khách hàng dần tan biến. Rắc rối đơn giản chỉ là một hiểu lầm nhỏ.

Bài học rút ra là hãy ứng xử với những nhận xét kiểu trừng phạt theo cách mà bạn muốn người ta ứng xử với bạn.

Một món quà

Có những lời nhận xét giống như một món quà. Người đưa ra nhận xét có sự quan tâm và cân nhắc trước khi nói. Nó được đưa ra để mong điều tốt cho bạn.

 “Cô ấy rất trầm tính…rất khó để biết cô ấy nghĩ gì. Tôi mong là cô ấy đóng góp ý kiến nhiều hơn cho tập thể”.

 “Anh ấy có vẻ không tự tin, luôn lo lắng người khác nghĩ gì về mình. Anh ấy không tập trung được vào những điều quan trọng bởi vì anh ấy chỉ lo tìm hiểu xem sếp muốn gì”.

Chúng ta luôn cần lắng nghe những góp ý của người khác để thành công. Giống như một hệ thống định vị toàn cầu GPS vậy: Chỉ với một vệ tinh, chúng ta không thể xác định được vị trí của mình. Để định vị chính xác chúng ta cần 3 - 4 vệ tinh. Trong công việc, để hiểu được chính xác vị trí của mình, bạn cần nhận xét từ phía người quản lý, đồng nghiệp, bạn bè…

Là một lãnh đạo, công việc đòi hỏi tôi phải đưa ra những nhận xét về nhân viên. Phải thú nhận là có lúc tôi mang đến cho họ những nhận xét như một câu đố, như một sự trừng phạt, nhưng cũng may mắn là dần dần những nhận xét như một món quà tăng lên, cùng với sự tăng lên về kinh nghiệm lãnh đạo của tôi.

Hãy thử ngẫm xem, kiểu nhận xét nào bạn thường đưa ra cho người khác, kiểu nhận xét nào bạn thường nhận được?


  • 24/05/2013 02:39
  • Thu Huyền (biên dịch theo www.forbes.com)
  • 1944


Gửi nhận xét