Sức mạnh của "cảm ơn"

Nói "cảm ơn" khi được ai đó giúp đỡ và "xin lỗi" trước những sai lầm của bản thân… là những kỹ năng cơ bản trong giao tiếp. Nhưng trong xã hội hiện đại, dường như kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp này đang dần bị lãng quên.

(Ảnh minh họa)

Kỹ năng sống đang dần bị lãng quên

Xin bắt đầu bằng một câu chuyện nho nhỏ về cách "cảm ơn" của người nước ngoài. Khi bạn được một người khác mời một thứ gì đó, ví như "Bạn có muốn một tách cafe không?”, người Việt Nam thường trả lời “Không”, hoặc “Có, cảm ơn”. Nhưng người nước ngoài họ “cảm ơn” kể cả khi họ không có nhu cầu “Không, tôi uống rồi, cảm ơn bạn”.

Việc sử dụng kỹ năng “cảm ơn – xin lỗi” cho thấy phép lịch sự trong giao tiếp của giới trẻ đang giảm sút. Ra đường, hỏi đường bác xe ôm nhưng lại quên mất cảm ơn khi đã được chỉ đường, đánh rơi đồ vật được người khác nhặt giúp, vì quá “vội vàng” lại quên cảm ơn.

Hãy thử nhớ xem khi bạn vào một trung tâm thương mại, người bảo vệ dắt xe dùm bạn, bạn có “cảm ơn” không, hay nghĩ đó là công việc của họ, họ được trả tiền để làm như vậy. Lên xe bus vô tình đụng chiếc túi đang đeo vào người khác, tuy rằng không ảnh hưởng nhiều lắm nhưng vẫn rất nhiều bạn “lờ đi” lời xin lỗi.

Và rất nhiều trường hợp khác nữa. Nhiều bạn trẻ nghĩ nhưng tình huống đó quá nhỏ nhặt nên không chú ý, không biết lời cảm ơn hay xin lỗi trong tình huống đó là cần thiết như thế nào, thể hiện nét đẹp văn hóa của con người ra sao.

Sức mạnh của “làm ơn” và “cảm ơn” trong công việc

Trong công việc, thêm từ “làm ơn”, ví dụ trước câu: “Đến họp ở phòng tôi lúc 10h” hoặc “Fax bản báo cáo này cho đối tác” biến một đòi hỏi thành đề nghị. Mọi người phản ứng tích cực hơn nhiều khi được đề nghị làm một việc gì đó so với bị đòi hỏi.

Với “cảm ơn” cũng vậy. Khi nói “cảm ơn”, là bạn thể hiện sự đánh giá cao. Khi không nói “cảm ơn” thể hiện bạn đòi hỏi một người làm gì đó. Hầu hết mọi người đều thích được đánh giá cao.

Công việc dù có khó khăn, nặng nhọc đến đâu, cũng không được quên thái độ nhã nhặn, sự tôn trọng lẫn nhau - yếu tố quan trọng gắn kết mọi người trong công ty. Chỉ cần giữ điềm tĩnh, mọi việc sẽ ổn. Hãy nở nụ cười và nói lời cảm ơn khi được đồng nghiệp giúp đỡ dù là việc nhỏ, nói lời xin lỗi khi bản thân làm ảnh hưởng tới công việc của người khác. Những phép lịch sự thông thường này là một phần trong văn hóa của nhóm hay công ty bạn.


  • 12/06/2013 03:35
  • Nguyễn Thúy
  • 4617


Gửi nhận xét