Văn hóa ứng xử khi nghỉ việc

Bạn đang làm việc ở công ty thì nhận được một cơ hội đáng mơ ước ở nơi khác và quyết định ra đi. Trước khi nghỉ việc, bạn cần hoàn thành những việc sau.

(Ảnh minh họa)

Viết một bức thư xin nghỉ việc

Bạn nên dành thời gian và công sức cho bức thư xin nghỉ việc để chứng tỏ sự tôn trọng của bạn với ban lãnh đạo công ty và phong cách làm việc chuyên nghiệp của một nhân viên.

Trong thư bạn nên trình bày những kinh nghiệm, những điều tốt đẹp mà bạn có được trong thời gian làm việc cho công ty. Bạn đã trưởng thành hơn trong công việc như thế nào và cảm ơn những người đã giúp đỡ bạn.

Có thể trích dẫn trong đó những sự kiện và việc làm để lại ấn tượng trong bạn. Bày tỏ mong ước công ty sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai.

Chỉ nghỉ khi công ty đã tìm được người thay thế

Nếu bạn có thời gian trước khi tiếp nhận một công việc ở cơ quan mới, hãy đề nghị với cấp trên cho phép bạn tiếp tục hỗ trợ họ cho đến khi tìm được người vào vị trí của bạn. Bạn có thể đưa ra một giới hạn thời gian để hoàn thành trách nhiệm này. Thường thì khoảng thời gian đó có thể là từ 2 tuần đến một tháng.

Giúp đào tạo nhân viên mới

Công việc bạn đang làm có đặc thù riêng, đòi hỏi kinh nghiệm và trách nhiệm mà không phải ai mới đảm nhận cũng có thế biết hết và không phải vấn đề nào cũng có thể bàn giao được trên giấy tờ hay file lưu trữ. Cấp trên của bạn lúc này thật sự cần đến một nhân viên có trách nhiệm "có đầu có cuối".

Hãy dành chút ít thời gian còn lại để bàn giao công việc và đào tạo người mới đến. Chắc chắn bạn sẽ để lại một ấn tượng tốt với mọi người trong công ty.

Đề cử một ứng viên cho vị trí thay thế

Để tránh cho công ty phải mất thời gian và kinh phí để tìm được một ứng viên thích hợp, bạn có thể ứng cử một nhân viên trong công ty mà bạn thấy phù hợp. Người đó có thể đã từng làm với bạn hoặc làm trợ lý cho công việc mà bạn phụ trách.

Trong khi đang cân nhắc đến việc nhận lời một công việc mới, hãy để mắt đến những đồng nghiệp để lại ấn tượng với bạn trong năm qua để đề cử vào vị trí mà bạn sắp nghỉ. Nếu không phải là đồng nghiệp trong công ty thì hãy nghĩ đến bạn bè và những mối quan hệ bên ngoài có thể giúp bạn có được một người thay thế thích hợp.

Cân nhắc thời điểm ra đi

Công ty có quyền sa thải nhân viên thì sự lựa chọn đi hay ở của nhân viên cũng là hoàn toàn bình thường đặc biệt khi quan điểm gắn bó lâu dài với một công việc không phải là sự lựa chọn với thế hệ trẻ ngày nay. Nhưng cũng không nên để lại ấn tượng cho sự ra đi của bạn là vì đề cao vấn đề lợi ích của bản thân lên trên hết mặc dù thực tế đó là lý do bạn ra đi.

Cũng không nên lập tức rời bỏ công việc ngay khi công ty trải qua thời kỳ khó khăn. Hãy chứng tỏ là một người có năng lực và trách nhiệm ngay cả khi bạn không còn là nhân viên của công ty.


  • 24/07/2013 04:03
  • Theo Huongnghiep.vn
  • 2759


Gửi nhận xét