Tháp Chăm về Hà Nội

Trong 54 sắc màu của các dân tộc đang sinh sống trên mảnh đất hình chữ S thì sắc màu tháp Chăm – hình ảnh của dân tộc Chăm rất đặc biệt và độc đáo. Lễ khánh thành quần thể tháp Chăm tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội ngày 23/11 đã đưa văn hóa Chăm đến gần hơn với người dân Thủ đô cũng như bạn bè quốc tế.

Không chỉ là những công trình kiến trúc đơn thuần, đối với người Chăm, tháp Chăm còn là một nét văn hóa gắn liền với tín ngưỡng của dân tộc. Tháp được xây dựng để thờ các vị thần hoặc các vị vua được tôn lên thành thần thánh, chính vì thế tháp luôn được xây dựng trên những gò đất cao hoặc núi để tạo sự tôn nghiêm, cao quý. Trong suốt 8 thế kỷ, người Chăm đã xây dựng rất nhiều tháp và quần thể tháp nằm rải rác suốt từ Quảng Nam – Đà Nẵng tời Ninh Thuận, Bình Thuận. Cho đến nay những quần thể kiến trúc này vẫn là một viên ngọc quý không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Châu Á. Cũng bởi thế, thánh địa Mỹ Sơn với nhiều tháp Chăm còn sót lại đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999.

Tháp Chăm là một nét văn hóa gắn liền với tín ngưỡng của dân tộc

Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, nhiều tháp Chăm đã bị phá hủy và hư hỏng cùng với thời gian. Tính đến nay, chỉ còn khoảng 19 địa điểm có di tích kiến trúc Chăm với khoảng 40 tháp còn giữ được. Vì vậy, việc đưa tháp Chăm về thành phố là một việc làm vô cùng thiết thực không chỉ để lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người Chăm, mà còn để những văn hóa độc đáo này có cơ hội đến gần hơn với người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế.

Tháp Chăm được xây dựng và khánh thành ngày 23/11 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, mô phỏng theo cụm tháp PoKlong Garai ở Ninh Thuận theo tỷ lệ 1:1. Quần thể tháp tọa lạc trên diện tích khoảng 4 nghìn m2 bao gồm: Tháp chính - tháp Kalan cao hơn 20m, tháp cổng - tháp Gopura cao hơn 8m và tháp hỏa - tháp Kosaghra cao hơn 9m. Tháp có 3 tầng được cấu trúc như nhau, càng lên cao càng thu nhỏ dần và kết thúc bằng một Linga bằng đá trên nóc tháp.

Hy vọng rằng với sự xuất hiện tại Thủ đô, tháp Chăm nói riêng và văn hóa Chăm nói chung sẽ có thêm cơ hội quảng bá về nét độc đáo, riêng biệt của mình trong số 54 dân tộc anh em.


  • 01/12/2012 02:17
  • Theo cinet.vn
  • 1891


Gửi nhận xét