Theo ThS. Nguyễn Thị Minh Thư - Giảng viên ngành Quản trị nguồn nhân lực và ngành Khởi nghiệp tại Đại học RMIT Việt Nam, việc kiểm soát và quản lý bùng phát dịch COVID-19 trong nội bộ doanh nghiệp sẽ đòi hỏi cách hành xử mới. Người lao động sẽ cần thời gian để thay đổi và thích ứng, còn bộ máy lãnh đạo cũng phải có khả năng ứng phó nhanh.
Ảnh minh họa.
|
Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và bộ môn Khởi nghiệp Đại học RMIT - TS. Seng Kiat Kok cho rằng: "Thay vì tập trung vào đo lường số giờ làm việc của nhân viên hoặc kết quả đầu ra theo giờ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn đến việc nhân viên có đạt được mục tiêu mà bộ phận/tổ chức đặt ra hay không. Các doanh nghiệp này vẫn đạt được kết quả đặt ra, song sẽ linh hoạt và nhận thức rõ hơn về bình thường mới".
TS. Kok cảnh báo: "Doanh nghiệp cần triển khai một cách cẩn thận vì chúng ta đang dần bước ra khỏi giai đoạn giãn cách, nên nếu họ hứa hẹn quá nhiều, mua dự trữ quá nhiều, hay tập trung quá nhiều vào lợi nhuận thì có thể gây hiểu lầm rằng mọi thứ đã trở lại bình thường".
"Ở một số quốc gia trên thế giới, có những doanh nghiệp đã thuê lượng lớn lao động thời vụ vì dự tính nhu cầu sẽ tăng cao, nhưng sau đó phải chấm dứt hợp đồng khi chính quyền ban hành lệnh phong tỏa đột ngột. Doanh nghiệp cần xem xét cẩn trọng nguy cơ tổn thất và tổn hại danh tiếng, cũng như cân nhắc kỹ lưỡng việc hoạt động hết công suất trở lại".
Để tạo điều kiện cho người lao động quay lại làm việc, theo ThS. Thư, doanh nghiệp cần thông tin rõ ràng đến nhân viên về chiến lược và kế hoạch đảm bảo giảm thiểu rủi ro do COVID-19 trong môi trường làm việc, cũng như cách họ kiểm soát các ca nhiễm và quy tắc ứng phó khi dịch bùng phát. Nên đưa những tiêu chuẩn an toàn mới vào các giao thức liên hệ công việc, chẳng hạn như cách hành xử trong các tình huống có tiếp xúc trực tiếp với khách đến công tác, khách hàng, người giao hàng.
Các chuyên gia RMIT cho rằng, mô hình làm việc kết hợp trực tiếp và trực tuyến nên được nhiều doanh nghiệp cân nhắc trong bình thường mới. Doanh nghiệp nên cân nhắc thuê ngoài các dịch vụ không thuộc trọng tâm hoạt động của mình, như dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa và tính lương, đồng thời lên kế hoạch làm việc theo ca để giảm số lượng người có mặt ở nơi làm việc cùng một lúc.
"Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư vào các ứng dụng và phần mềm nội bộ để đảm bảo rằng tổ chức có đầy đủ dữ liệu phân tích sức chứa khu vực làm việc và các yêu cầu về giãn cách xã hội, mà vẫn tối đa hóa năng suất. Dù COVID-19 có thể vẫn hiện hữu trong trạng thái bình thường mới, việc đầu tư vào công nghệ và hệ thống có thể giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực từ dịch bệnh", TS. Kok kết lời.
Link gốc.