Ông Hồ Anh Tuấn. Ảnh: Tư liệu.
|
* Ông đánh giá văn hóa có vai trò thế nào trong việc gắn kết, chia sẻ giữa người lao động và chủ DN trong bối cảnh đại dịch hiện nay?
- Văn hóa DN có vai trò rất quan trọng. Chúng ta đều biết, người lao động là tài sản quý giá nhất của DN. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra thì việc nội bộ tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc lẫn nhau sẽ giúp DN vượt qua khủng hoảng.
Trong đại dịch, người lao động bị căng thẳng và lo lắng về công việc, sức khỏe, tài chính và các mối quan hệ xã hội. Do đó, chế độ phúc lợi, sự quan tâm, chia sẻ của chủ DN cả về vật chất lẫn tinh thần có giá trị hơn bao giờ hết. Về phía người lao động, khi được chủ DN bảo đảm quyền lợi để cuộc sống ổn định dù là mức tối thiểu cũng giúp họ có động lực tận tâm cống hiến cho DN.
Người Việt vốn giàu tình cảm, thích đùm bọc lẫn nhau. Không chỉ có khát vọng vươn lên, chúng ta còn có tinh thần kiên định vượt qua nghịch cảnh. Khi công cuộc tái thiết bắt đầu, giới chủ xây dựng được văn hóa DN tốt sẽ giảm thiểu sự đứt gãy nguồn nhân lực.
* Khi khủng hoảng xảy ra thì những công ty có nền văn hóa DN và những công ty chưa chú trọng điều này có gì khác biệt?
- Văn hóa DN quyết định sự trường tồn của DN, đồng thời giúp tăng cường sức mạnh cạnh tranh của DN cả trong hoàn cảnh bình thường lẫn khủng hoảng.
DN thường xem việc xây dựng và quảng bá thương hiệu là nhân tố quan trọng để tạo nên sự khác biệt với đối thủ. Nhưng hiểu sâu xa thì thương hiệu không đơn giản là vật phẩm nhận diện như logo, bao bì, nhãn mác mà còn chứa đựng cái hồn của DN trong việc thể hiện hình ảnh, màu sắc, ngôn từ, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cái hồn ấy xuất phát từ giá trị, niềm tin, nguyên tắc trong văn hóa của DN.
Văn hóa chính là bản sắc riêng của DN, thể hiện tính cách, tầm nhìn và sứ mệnh của DN. Không bao giờ có hai công ty cùng một bản sắc văn hóa. Vì vậy, văn hóa làm nên tính cách của DN, ngược lại DN sẽ được biết đến qua bản sắc của mình.
Xây dựng văn hóa DN thành công thì dễ dàng tạo được khối đoàn kết nội bộ, kết hợp những cá nhân khác biệt thành một đội ngũ, với những con người có phẩm chất, phong cách sống, niềm tin, thái độ khác nhau nhưng đều có mục tiêu là thể hiện bản thân qua công việc. Khi tổ chức phát triển, họ cũng được phát triển, khi mục tiêu của DN đạt được thì bản thân họ cũng thành công.
Ngược lại, những công ty chưa quan tâm phát triển văn hóa DN chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giữ chân khách hàng, kết nối với đối tác, cũng như bảo đảm sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững. Trong đại dịch Covid-19, những công ty có sẵn nền tảng văn hóa không những tồn tại mà còn linh hoạt thích ứng, biến mối nguy thành cơ hội phát triển.
* Trong Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam có điều kiện bắt buộc DN không được nợ lương người lao động. Tuy nhiên, trong khó khăn chung hiện nay, nếu người lao động tự nguyện chia sẻ gánh nặng bằng cách chấp nhận chậm lương thì công ty đó theo ông có đạt chuẩn văn hóa?
- Như đã nói ở trên, văn hóa DN bao hàm nhiều yếu tố, trong đó có sức mạnh đoàn kết nội bộ. Muốn tồn tại lâu dài thì giới chủ và người lao động phải đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi để vượt qua khó khăn, thử thách.
Dịch bệnh là yếu tố khách quan đẩy DN đến khó khăn về tài chính, là trường hợp bất khả kháng chứ không phải ý chí chủ quan của chủ DN. Khi người lao động đồng tình chậm lương cũng chứng minh việc xây dựng văn hóa DN ở đó rất tốt. Vì vậy, nếu DN đáp ứng những tiêu chí khác và được người lao động tự nguyện nhận lương trễ, chúng tôi vẫn xem xét công nhận.
* Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019, cả nước có trên 95% DN nhỏ và vừa, vậy nhóm này có được xét công nhận DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2021?
- Việc công nhận DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam là hình thức tôn vinh của Hiệp hội Phát triển văn hóa DN Việt Nam theo Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam. Đây là bộ tiêu chí chuẩn đầu tiên về văn hóa kinh doanh được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Vì vậy, DN Việt Nam, DN do người Việt làm chủ, DN có vốn FDI, có tư cách pháp nhân, thuộc mọi thành phần kinh tế - trong nước hay nước ngoài - không phân biệt quy mô, ngành nghề đều có thể làm hồ sơ để xét công nhận DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Với tôn chỉ minh bạch, công tâm và công bằng, chúng tôi sẽ chọn những DN đạt chuẩn mực đạo đức và văn hóa kinh doanh Việt Nam, vừa bảo tồn được giá trị truyền thống của dân tộc, vừa hấp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
* Kể từ khi triển khai Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam đến nay, ban tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng thế nào?
- Chúng tôi xác định, xây dựng văn hóa DN Việt Nam là một quá trình lâu dài và phải được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực của từng DN, vì lợi ích lâu dài của chính họ và cộng đồng.
Dự kiến vào dịp Ngày Văn hóa DN Việt Nam 10/11/2021, Ban tổ chức Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam dự định tổ chức diễn đàn quốc gia với chủ đề: “Tiếp biến văn hóa - Nền tảng hồi phục và phát triển kinh tế bền vững”. Tại diễn đàn, ban tổ chức sẽ công bố những DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam đầu tiên và biểu dương, khen thưởng DN có thành tích xuất sắc, hưởng ứng tích cực cuộc vận động do Thủ tướng phát động.
Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam và lấy ngày 10/11 hằng năm là Ngày Văn hóa DN Việt Nam, cuộc vận động được triển khai theo hướng ban tổ chức phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức hội nghị nâng cao nhận thức của chủ DN, đồng thời kết hợp với các ban, ngành, các chuyên gia, nhà quản lý, các hội nghề nghiệp tư vấn cho DN, mời gọi cộng đồng DN tham gia tích cực xây dựng văn hóa DN.
Sau gần 5 năm triển khai, cuộc vận động đã bước đầu đi vào cuộc sống. Hơn 4 năm qua, ban tổ chức đã triển khai cuộc vận động tại 63 tỉnh, thành và cộng đồng DN Việt Nam tại châu Âu.
Có thể nói, cuộc vận động đã thu hút được sự quan tâm của DN. Những nội dung như phát triển văn hóa DN là nhu cầu để phát triển bền vững, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, kiên quyết nói không với hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh... đang ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng DN.
* Thời gian tới, ban tổ chức sẽ làm gì để giới doanh nhân đẩy mạnh xây dựng văn hóa DN?
- Trong thời gian tới, cần làm được hai việc: doanh nhân nhận thức được lợi ích lâu dài của việc xây dựng văn hóa DN là đầu tư cho uy tín, hình ảnh, thương hiệu và lợi nhuận; kiến nghị Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách về văn hóa DN.
Dựa vào hai trụ cột này, doanh nhân chắc chắn sẽ tích cực xây dựng văn hóa DN và số lượng DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam hằng năm chắc chắn sẽ gia tăng.
* Cảm ơn ông!