Theo chân người khảo sát xây dựng điện miền Trung

Trong sự nghiệp phát triển nguồn và lưới điện khu vực miền Trung - Tây Nguyên, những người làm công tác khảo sát tại Công ty Tư vấn điện miền Trung (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Trung) luôn tự hào được đặt chân đầu tiên trên những công trình điện.

Nhớ lại lần chúng tôi đi khảo sát cấp điện cho 10 xã vùng núi huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Địa hình ở đây, xe Uoat chỉ có thể vào được trung tâm xã trong mùa nắng. Tuy nhiên, do đi khảo sát vào mùa mưa, nên chúng tôi phải cuốc bộ từ thị trấn Tăk Pỏ đến các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Leng, Trà Tập… Khu vực này, hàng năm vào mùa mưa, lũ quét hoành hành dữ dội, có lúc nước từ thượng nguồn đổ về bất chợt, cuốn phăng mọi vật cản; sợ nhất cảnh sên, vắt bám vào người cắn đến bật máu. Nhưng mọi người trong đoàn chẳng ai quan tâm đến khó khăn, nguy hiểm đó. Anh em thường phải băng rừng, lội suối cùng cơm nắm, muối vừng, tiến hành đo đạc, tìm hướng tuyến, xác định tọa độ. Đồng bào Xơ đăng, Ca Dong rất vui khi thấy chúng tôi chuẩn bị mang điện về, họ mang rượu ngâm rễ sâm K5 cho chúng tôi uống, giúp chúng tôi xóa đi cái lạnh vùng cao tê buốt.
 
Làm công tác khảo sát phải có sức khỏe tốt, dẻo dai chịu đựng. Thời gian khảo sát các công trình thường kéo dài, ở lán trại tạm, chuyện ăn cơm ngay tại hiện trường là việc bình thường. Những bữa ăn vội vàng, may mắn nếu tiến hành khảo sát tại khu vực gần dân thì còn tốt, chứ ở những nơi xa dân thì chỉ ăn cơm gói, mì gói mang theo. Cái vất vả thường ngày của người thợ khảo sát điện đã rèn luyện cho chúng tôi tính kiên nhẫn, tận tâm với công việc. Nhưng không vì khó khăn mà làm chậm tiến độ. Khi tiến độ gấp thì ngày nghỉ, ngày lễ cũng vẫn ra quân, ai cũng ý thức rõ trách nhiệm của mình đối với công việc. 
 
Có thể nói, chỉ có những người công nhân khảo sát điện, làm việc trên mảnh đất đầy nắng gió khu vực miền Trung - Tây Nguyên mới có thể trải nghiệm đầy đủ nhất những cung bậc gian lao vất vả của nghề khảo sát. Địa hình miền Trung hội tụ tổng hợp tính chất thổ nhưỡng và khí hậu của cả vùng biển đảo, duyên hải, trung du và núi cao. Thời tiết lúc nóng bức gió Lào, lúc mưa phùn, gió bấc lạnh buốt... đều hội tụ đầy đủ ở đây. Với những người làm khảo sát, công việc bắt đầu từ lúc sáng sớm và kết thúc lúc mặt trời lặn, những lúc trời nắng chang chang như đổ lửa cố gắng thực hiện để thông tuyến qua eo núi, hoặc phải hoàn tất đo đạc khoảng vượt mỏm núi cao chót vót, để buổi chiều không phải mang vác dụng cụ leo lên đỉnh núi nữa.
 

Làm công tác khảo sát xây dựng điện đòi hỏi mỗi cán bộ phải có sức khỏe tốt

Anh Trần Nhi, Trưởng phòng Khảo sát 2 - Công ty Tư vấn điện miền Trung tâm sự: “Lúc làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, chúng tôi đã sống cùng với dân, gần gũi và được dân yêu thương, giúp đỡ. Nhờ có tấm lòng yêu thương của dân, chúng tôi đã thuyết phục bà con hỗ trợ việc đền bù giải phóng hành lang tuyến. Một lần, trên Tây Nguyên, đường điện phải vượt qua rừng rậm, người dân địa phương đã vận động cả buôn làng tham gia phát hàng chục km đường rừng đầy lau lách, tạo cho chúng tôi có hành lang đo đạc. Trước những tình cảm chân thành đó, chúng tôi quyết tâm làm sao cho công trình đảm bảo tiến độ và chất lượng cao, sớm có điện phục vụ bà con.”.  
 
Kỹ sư Nguyễn Công Tuấn, Phòng khảo sát 2 cho biết: “Trong chuyến khảo sát công trình TBA 110 kV Điền Lộc và nhánh rẽ, đúng vào mùa mưa, cộng thêm ảnh hưởng của cơn bão, việc cắm mốc, chia trụ trung gian phải thực hiện trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Chúng tôi đã tranh thủ từng phút, khi nắng hửng lên là đi hiện trường. Công trình trải dài trên hai khu vực đồi cát, ruộng lúa ngập nước và phải vượt qua sông, kênh rạch; cấu trúc địa chất toàn bùn sét, bùn thực vật, và sét kết... Chúng tôi phải sử dụng phương pháp khoan xuyên động để xác định kết cấu địa tầng. Tại khu vực ngập nước và vượt sông, chúng tôi sử dụng dàn khoan xoay cầu, kết hợp với khoan xuyên động, mới có thể đánh giá cấu tạo địa chất khu vực. Với sự nỗ lực, tinh thần vượt khó, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ kỹ sư địa chất, địa hình, công nhân trắc địa; công tác khảo sát hiện trường cung cấp những số liệu địa chất, địa hình cho thiết kế bản vẽ thi công (TKBVTC) đã hoàn thành trong thời gian sớm nhất. 
 
Khi nói đến nghề khảo sát xây dựng điện, là nói đến sự vô cùng cực nhọc, sự hy sinh thầm lặng, nhưng cũng là vinh dự, tự hào của người làm nghề. Mỗi lần được tận mắt chứng kiến hàng cột điện cao vút được nghiệm thu đưa vào sử dụng, người công nhân khảo sát điện luôn tự hào vì sự đóng góp công sức nhỏ bé của mình, biến những sản phẩm từ số liệu, bản vẽ thành những công trình điện phục vụ quốc kế, dân sinh, để rồi ngày mai họ lại tiếp tục đến với những công trình điện mới. 
 


  • 23/12/2015 03:03
  • Theo Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 1371


Gửi nhận xét