Thợ điện trong mùa nắng nóng cần chú ý điều gì?

Theo dự báo của cơ quan khí tượng, thời tiết năm nay sẽ nóng gay gắt và diễn biến bất thường hơn năm 2016. Vậy công nhân ngành Điện thường xuyên phải làm việc ngoài trời trong điều kiện thời tiết ngày một khắc nghiệt cần lưu ý điều gì để bảo đảm sức khỏe? Bác sỹ Đào Văn Lăng – Ban Tổ chức và Nhân sự EVN đã đưa ra những lời khuyên nhằm giúp người lao động vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cung cấp điện an toàn, liên tục, vừa góp phần bảo đảm an toàn lao động.

Theo bác sỹ Lăng, khi làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, người lao động rất dễ xảy ra tình trạng mệt mỏi và say nắng, say nóng. Tình trạng này nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, nghiêm trọng hơn là tính mạng.

Thợ điện thường xuyên phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Một đặc điểm chung của say nóng và say nắng là đều dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng, sẽ tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn, hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới  rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh...

Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, tăng kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút....Nặng hơn người bệnh có thể bị ngất, hôn mê, thậm chí có thể trụy tim mạch và tử vong.

Say nắng chỉ xảy ra khi hoạt động ngoài trời nắng. Người bị say nắng thường có biểu hiện sốt cao, lúc đầu thở sâu, mạch nhanh, sau đó là thở nông và mạch yếu, đồng tử giãn, lú lẫn, mê sảng, co giật, ngất. Say nắng thường thấy da nóng và khô, mệt lả, đau đầu, khó chịu, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy.

Đối với trường hợp say nóng, da bệnh nhân lạnh, ẩm ướt, tái mét, vã mồ hôi; miệng khô, yếu sức, choáng váng, nhức đầu, buồn nôn hoặc nôn, bị chuột rút (vọp bẻ); mạch nhanh và yếu; loạn nhịp tim, hạ huyết áp; hội chứng suy hô hấp cấp ở người lớn; hôn mê; suy gan và thận, rối loạn đông máu...

Khi người lao động có biểu hiện say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế.

Nhanh chóng tiến hành giảm thân nhiệt cho nạn nhân bằng cách: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió, cởi bỏ bớt quần áo; cho uống nước mát có pha ít muối hoặc nước ORESOL; chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở những vị trí có động mạch lớn đi gần ngoài da như nách, bẹn, cổ.

Trong trường hợp nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.

Theo bác sỹ Lăng, tình trạng say nóng, say nắng hoàn toàn có thể phòng ngừa và hạn chế bằng chế độ ăn uống đảm bảo và trang phục bảo hộ và môi trường làm việc hợp lý như sau:  

Đảm bảo chế độ ăn uống hợp lý và nâng cao sức khỏe:

Mùa hè, tình trạng ra mồ hôi dẫn đến mất nước, cơ thể cần bù lượng nước đã mất dẫn đến uống nhiều nước gây nên chán ăn. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo ăn đủ calo còn phải đảm bảo loại thực phẩm dễ ăn, dễ tiêu giàu vitamin như thịt lợn, cá, rau ngót, cà chua, bí đao…

Không nên ăn những đồ ăn nhiều mỡ, gây khó tiêu. Lựa chọn thực phẩm tươi sống, không ôi thiu, và đặc biệt trong quá trình chế biến tránh thêm nhiều dầu, mỡ gây cảm giác chán ăn.

Bên cạnh đó, việc bổ sung trái cây rất quan trọng, đặc biệt là những loại trái cây nhiều vitamin C như cam, chanh…

Cần bổ sung lượng nước đầy đủ (1.5-2l/ngày), phân đều không chờ khát mới uống. Trong trường hợp làm việc dưới trời nắng gắt kéo dài, nên uống từ 2.5- 3 lít/ngày có pha thêm một chút muối. Trước khi làm việc nên uống uống 300 ml đến 500 ml.

Theo bác sỹ, nên uống nước đun sôi để nguội, hoặc nước cam, chanh, nước rau má, mía…..Không nên uống đồ uống có gas hoặc nước tăng lực, đồ uống có cồn.

Môi trường làm việc

Bác sỹ khuyên không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường quá nóng bức, nên tránh các hoạt động thể lực quá sức.

Trong trường hợp phải làm việc liên tục ngoài trời quá nắng nóng, nên căng lều che nắng gần vị trí làm việc để thay đổi nhau thực hiện công việc và chuẩn bị lượng nước đầy đủ cho người lao động.

Nên định kỳ sau khoảng 01 giờ làm việc thì nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 15 - 20 phút. Không làm việc lâu, quá sức trong môi trường nắng nóng. Trường hợp người lao động sau nghỉ ốm, nghỉ phép hoặc lâu ngày không làm việc tiếp xúc với nắng nóng cần phải có thời gian làm việc tăng dần để thích nghi việc tiếp xúc với nắng nóng.

Thực hiện các biện pháp làm thông thoáng môi trường làm việc, đặc biệt là ở các xưởng, hầm lò là rất thiết thực trong việc phòng chống say nóng.

Trang phục bảo hộ lao động:

Đảm bảo trang bị quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…Khi lao động ngoài trời nắng, phải đội mũ bảo hộ lao động, tránh không cho ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu vào gáy.

Trang phục cần đảm bảo rộng rãi giúp thoát nhiệt, trong đó cần lưu ý: Loại vải sáng màu giảm sự hấp thụ nhiệt nhưng hiệu quả chống các tia có hại kém hơn; vải có màu tối đảm bảo được việc chống các tia có hại nhưng hấp thụ nhiệt mạnh hơn. Vì vậy, cần sử dụng các loại vải có chất lượng tốt như cotton và màu sắc phù hợp như màu vàng cam.

Theo bác sỹ Lăng, trang phục  bảo hộ lao động hiện nay của công nhân ngành Điện là phù hợp, đảm bảo an toàn lao động.


  • 30/05/2017 03:18
  • Phương Thảo (ghi)
  • 2521