TCĐL xin đăng tải nội dung cuộc trò chuyện thú vị này để độc giả có thêm những góc nhìn đa chiều về tính chính xác của thông tin báo chí.
PV: Theo ông, tính chính xác của thông tin có vai trò như thế nào đối với việc tạo nên giá trị của bài báo?
“Thông tin chính xác là đặc trưng cơ bản của báo chí”
|
Ông Lê Quốc Minh: Nền tảng của báo chí là sự thật. Nhà báo hay các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiệm vụ “gác cổng”, một mặt phản ánh đầy đủ, chính xác và chân thật những câu chuyện xảy ra trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giải trí, thể thao… mặt khác cần phải cân nhắc lựa chọn chủ đề thông tin.
Công chúng lâu nay đặt niềm tin vào báo chí và các kênh truyền hình chính thống. Vì vậy, nếu báo chí chính thống đưa thông tin thiếu sự kiểm chứng, sai lệch sẽ làm mất giá trị của bài báo cũng như uy tín của cơ quan thông tấn, báo chí.
PV: Nói về thông tin “sai lệch, thiếu chính xác”, ông bình luận thế nào về phóng sự “Cây chổi quét rau” phát sóng trên Chương trình “Cafe sáng với VTV3” gây ồn ào trong dư luận thời gian qua?
Ông Lê Quốc Minh: Có lẽ không cần nói nhiều về sự việc này nữa, bởi VTV đã xin lỗi vì sai sót và đình chỉ phóng viên thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, không chỉ có VTV mà trên diễn đàn báo chí thế giới và trong nước đã có khá nhiều bài báo, chương trình truyền hình vi phạm nguyên tắc cơ bản của báo chí, đó là “dàn dựng” quá đà, là thiếu thông tin công bằng, thậm chí sai sự thật. Có một thủ pháp làm truyền hình là khi không quay hình được đúng sự việc diễn ra, thì có thể dàn dựng hiện trường để minh họa, nhưng phải chú thích rõ ràng và dứt khoát không được làm thay đổi bản chất của sự việc. Ví dụ, dựng lại những câu chuyện lịch sử, dựng lại câu chuyện trong quá khứ của một nhân vật...
Việc dàn dựng sự việc, hiện tượng dẫn đến đưa thông tin sai sự thật không chỉ liên quan đến đạo đức nghề nghiệp báo chí mà còn liên đới đến trách nhiệm của bộ phận quản lý, phê duyệt chương trình, thư ký tòa soạn... bởi đó là bộ phận “gác cổng” cuối cùng đưa thông tin đến với công chúng.
PV: Thông tin thiếu chính xác tác động thế nào đến dư luận xã hội, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Khi báo chí phản ánh thông tin sai sự thật sẽ làm xói mòn những giá trị cơ bản của báo chí, mất niềm tin của công chúng. Bởi, báo chí là một ngành “kinh doanh đặc biệt” dựa trên niềm tin. Nếu công chúng mất niềm tin vào tờ báo, chương trình truyền hình, họ sẽ chuyển sang việc tìm kiếm thông tin từ các nguồn khác. Vì thế nó ảnh hưởng đến việc kinh doanh của tờ báo và nếu nhiều tờ báo cùng mắc sai lầm như vậy thì công chúng sẽ mất niềm tin vào báo chí chính thống.
Trong khi đó, mạng xã hội đang ngày càng phát triển và được nhiều người sử dụng. Thay vì gửi thông tin đến các cơ quan báo chí như trước đây, rất nhiều người chọn cách tự đưa lên các trang mạng xã hội. Nhưng nhiều khi thông tin chỉ là một đoạn status, một tấm ảnh hay đoạt video mà nếu chỉ dựa vào đó thì khó hiểu rõ câu chuyện. Ví dụ như hồi cuối tháng 3/2016, trên Facebook xuất hiện một số ảnh kèm theo thông tin con đánh bố dã man ở Hải Dương. Ngay sau đó, rất nhiều người bình luận, chê trách người con bất hiếu. Tất nhiên, nhìn vào bức ảnh thì việc người con trai sử dụng vũ lực đối với cha già là điều không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, một người hàng xóm sau đó đã đưa thông tin, vì người cha uống rượu, nghiện ngập, hay đánh đập vợ con nên bất đắc dĩ người con mới phải trói ông bố. Vì vậy, nếu chỉ đơn thuần dựa vào hình ảnh trên mạng xã hội và đưa thông tin trên báo chí, chắc chắn sẽ định hướng sai dư luận xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của chính những người trong cuộc.
Ông Lê Quốc Minh
|
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc đưa thông tin thiếu chính xác, nhất là trên báo điện tử thời gian qua?
“Không vì chạy đua với các trang mạng xã hội mà báo chí đưa thông tin thiếu chính xác và chân thực”
|
Ông Lê Quốc Minh: Thông tin trên báo chí phải được thực hiện theo quy trình kiểm duyệt rất chặt chẽ. Nhưng trong thời đại bùng nổ các phương tiện truyền thông như hiện nay, đặc biệt là sự ra đời của các trang mạng xã hội, có xu hướng là báo chí “chạy đua thông tin” với mạng xã hội, nhất là trên báo điện tử. Vì lý do này, nhiều tờ báo đã cắt ngắn quy trình kiểm duyệt, giao quyền xuất bản tin lên website cho những cán bộ ở cấp thấp hơn. Đây là chuyện đã xảy với nhiều tờ báo trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, rất nhiều nhà báo vì muốn có tin nhanh nên đã dùng hình ảnh, thông tin trên các mạng xã hội và biến thành “câu chuyện”, trong khi bản chất đó chỉ là thông tin cơ sở, nếu muốn triển khai, cần có xác minh, kiểm chứng, phát triển thông tin… Và giữa khối lượng thông tin khổng lồ như hiện nay, công chúng rất khó để chọn lọc được những thông tin chính xác nên rất dễ bị “lạc lối”. Vì vậy, phải là những người có trình độ, năng lựcvà khả năng tiếp cận thông tin và đạo đức nghề nghiệp mới có thể nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đưa tin chính xác, chân thật.
PV: Ông đánh giá thế nào về sự quan tâm của báo chí đối với ngành Điện, mà cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam?
Ông Lê Quốc Minh: EVN có rất nhiều vấn đề, từ chuyện giá điện, lắp đặt thiết bị điện đến việc tại sao mua điện từ Trung Quốc trong khi lại bán điện sang Campuchia… Hoặc các vấn đề liên quan đến chính sách của Nhà nước… Ví dụ, việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho khách hàng. Vì thiếu những lời giải thích rõ ràng, dễ hiểu cho khách hàng, nhiều người lầm tưởng rằng, họ sẽ mất thêm chi phí khi lắp đặt loại công tơ mới, mặc dù trên thực tế công tơ điện tử mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho chính khách hàng. Ngoài ra, có rất nhiều câu chuyện xung quanh vấn đề sử dụng điện được khách hàng phản ánh. Vì vậy, báo chí luôn dành sự “quan tâm” đặc biệt đến EVN và đây cũng là điều bình thường.
Trong khi đó, Điện lực là một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù, phức tạp mà các phóng viên, nhà báo nếu không nhìn nhận vấn đề một cách logic, thấu đáo, cụ thể, có cơ sở khoa học, thì cũng rất dễ đưa thông tin một chiều, thiếu chính xác.
PV: Theo ông, liệu EVN đã ứng xử kịp thời trước những thông tin như vậy?
“Báo chí dành sự quan tâm đặc biệt cho EVN”
|
Ông Lê Quốc Minh: Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng thường xuyên phải “đối mặt” với khủng khoảng truyền thông. Bộ máy càng cồng kềnh thì cách thức xử lý khủng hoảng truyền thông càng gặp khó khăn hơn. EVN và nhiều doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng gặp tình trạng tương tự. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp làm tốt, nhưng không biết cách tuyên truyền, chưa biết tiếp thu, hoặc chậm tiếp thu ý kiến của người dân, thiếu các bài viết phân tích, nhận định của các chuyên gia về các vấn đề báo chí phản ánh chưa chính xác, cũng gây sự hiểu lầm trong công chúng.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, những năm gần đây, EVN đã có nhiều đổi mới trong công tác truyền thông và phục vụ khách hàng. Điển hình là các trung tâm chăm sóc khách hàng luôn trực tiếp nhận và xử lý thông tin kịp thời về ý kiến của khách hàng sử dụng điện. Đồng thời, lãnh đạo EVN và các đơn vị cũng đã kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng, tuy còn ở chừng mực nhất định.
PV: Để đảm bảo tính chính xác và trung thực của thông tin trên báo chí nói chung và thông tin viết về ngành Điện nói riêng, điều kiện cần và đủ là gì, thưa ông?
Ông Lê Quốc Minh: Cách tốt nhất để đảm bảo được tính chính xác và trung thực là phải tạo ra được một kênh cung cấp thông tin minh bạch và chủ động giữa ngành Điện với báo chí. EVN cần phải có những chiến lược truyền thông xuyên suốt, không chỉ đơn giản xây dựng bộ phận giải quyết khủng hoảng, mà cần tạo ra một bức tranh thông tin minh bạch. Điện là “hàng hóa đặc biệt”, liên quan trực tiếp đến đời sống, vì vậy, người sử dụng điện có quyền truy cập, thẩm định, kiểm tra thông tin liên quan trực tiếp đến họ. Báo chí chính là cầu nối đăng tải những thông tin đó. Đồng thời, EVN cần thường xuyên và cởi mở hơn trong quá trình làm việc với các phóng viên theo dõi ngành Điện. Thông qua mối quan hệ hai chiều, thông tin về ngành Điện sẽ được phản ánh một cách chính xác và trung thực hơn. Trong khi đó, những người làm báo chân chính khi viết bài cũng cần phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” - như cố nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Thọ từng đề cập đến, thì mới có thể đảm bảo đưa tin trung thực và chính xác. Mặt khác, ngành điện cũng có thể chủ động sử dụng các kênh mạng xã hội để trực tiếp kết nối với người tiêu dùng và khách hàng. Doanh nghiệp tận dụng các phương thức truyền thông mới là xu hướng khá phổ biến hiện nay, không nhất thiết chỉ phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin qua báo chí.
PV: Xin cảm ơn ông!