Thu hút và giữ chân nhân tài cho doanh nghiệp: Cách nào hiệu quả?

Tiền lương, chế độ đãi ngộ… chưa hẳn là yếu tố tiên quyết, mà chính môi trường làm việc, sự hài lòng trong công việc sẽ giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài. Vậy cách nào có thể giúp doanh nghiệp giữ chân nhân tài hiệu quả?

Ảnh minh họa.

Tạo điều kiện cho nhân viên phát huy thế mạnh bản thân

Nhân viên giỏi sẽ gắn bó với công việc, với doanh nghiệp hơn nếu như ở đó họ có thể phát huy được thế mạnh của bản thân. Vì thế lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm để phát hiện thế mạnh của họ. Đồng thời tìm hiểu mong muốn cũng như sở trường của nhân viên thông qua các câu hỏi trực tiếp về vị trí, công việc họ muốn đảm nhận để từ đó có xu hướng phân chia, sắp xếp công việc hợp lý giúp nhân viên phát huy sở trường của mình.

Mang đến những cơ hội phát triển

Doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ học phí các lớp học nâng cao kỹ năng và trình độ cho nhân viên; luôn mang đến cho nhân viên giỏi những công việc mang tính thách thức. Ngoài ra hãy cho những nhân tài đó thấy được kế hoạch phát triển đã định sẵn, cũng như vạch ra những cơ hội để họ có thể cùng đồng hành với công ty tuyên dương, khen thưởng kịp thời

Để giữ chân nhân tài cần cho họ thấy được sự tôn trọng và đánh giá cao từ phía doanh nghiệp. Các nghiên cứu cho thấy, nếu nhân viên cảm thấy nỗ lực họ bỏ ra không được đánh giá đúng và được công nhận thì họ sẽ rời đi. Hãy cho họ thấy sự đóng góp trong công việc của họ là đáng trân trọng bằng sự chân thành và khích lệ.

Tài năng được công nhận sẽ là một động lực lớn trong công việc, đặc biệt đối với nhân viên giỏi. Chính vì thế khi nhân viên có sáng kiến hay hoặc hoàn thành công việc với kết quả cao, lãnh đạo nên kịp thời ghi nhận và tuyên dương, khen thưởng kịp thời để nhân viên đó cảm nhận được sự ghi nhận công sức đóng góp và gia tăng khả năng gắn bó với doanh nghiệp.

Sếp giỏi - “vũ khí” níu chân nhân tài hiệu quả

Điều làm người tài băn khoăn nhất không phải là tìm được việc làm, mà là có tìm được một doanh nghiệp và một vị sếp thật sự mong muốn giúp họ phát triển năng lực cá nhân và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp hay không. Nói cách khác, nhân tài luôn khao khát có được những vị sếp giỏi, những người họ có thể nể trọng và tin tưởng.

Đặc biệt, bản thân một nhân viên giỏi là “tài sản” của công ty và doanh nghiệp, họ sẽ có những nguyên tắc, yêu cầu riêng cho bản thân mình và họ cũng đòi hỏi cao hơn ở sếp của mình.

Ủy quyền trong sự giám sát

“Chọn mặt gửi vàng” ủy quyền lại cho nhân viên có năng lực và giỏi chuyên môn vừa giảm tải áp lực của người quản lý, cũng là cách người quản lý thể hiện sự tín nhiệm đối với nhân viên giỏi, tạo điều kiện cho nhân viên phát huy hết vai trò và khả năng của mình. Đồng thời, người quản lý cũng phải thường xuyên kiểm gia, giám sát tiến độ đảm bảo công việc đạt hiệu quả tốt nhất.

Môi trường cạnh tranh lành mạnh

Muốn “giữ chân” nhân viên giỏi cần đặt nhân viên ấy trong môi trường cạnh tranh với những nhân viên giỏi khác, có như vậy thì năng suất làm việc của họ sẽ ngày càng tăng lên. Một nhân viên giỏi khi họ cảm thấy xung quanh không có đối thủ “cạnh tranh”, điều kiện thực tế không thôi thúc họ cố gắng nỗ lực, cảm thấy năng lực dần bị “thui chột”, việc tìm kiếm môi trường làm việc khác tiềm năng hơn sẽ là điều sớm hay muộn.

Tôn trọng nhân viên đúng cách

Tôn trọng nhân viên là một trong những biện pháp hữu hiệu để giữ chân nhân viên giỏi ở lại với doanh nghiệp. Khi sếp luôn tôn trọng, cư xử chuyên nghiệp và có chế độ đãi ngộ tốt với nhân viên, họ sẽ có động lực để hoàn thành công việc tốt nhất. Bởi ngay cả khi rất yêu công việc hiện tại và được trả lương cao nhưng nếu nhân viên cảm thấy không được tôn trọng, chắc chắn họ sẽ không gắn bó lâu dài cho doanh nghiệp.


  • 18/10/2021 03:18
  • Theo Tạp chí Điện lực, chuyên đề Quản lý và Hội nhập.
  • 1351