Thương hiệu Việt: Của vô chủ, ai nhanh tay thì được?

Dù phát hiện thương hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài “ăn cắp” từ hơn hai năm trước nhưng việc phản ứng đủng đỉnh, chậm chạp đã khiến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” trở thành thương hiệu cà phê nước ngoài.

Thương hiệu Việt: Của vô chủ, ai nhanh tay thì được?
 

Sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột trưng bày tại lễ hội cà phê - Ảnh minh họa.

Chỉ khi phát hiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị “đánh cắp” vào tay doanh nghiệp Trung Quốc, người ta mới bắt đầu loay hoay tìm cách đi kiện. Tuy nhiên khi tìm hiểu thì thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột không những bị doanh nghiệp Trung Quốc mà còn bị nhiều doanh nghiệp ở nhiều nước đăng ký bảo hộ.

Cụ thể nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp đăng bạ dưới hình thức tên gọi xuất xứ hàng hóa, nay là chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, vào tháng 10/2005. Tuy nhiên, thương hiệu này lại bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” tại nước này từ trước đó.

Còn nhãn hiệu “Cafe Ban Me Thuot” đã bị Công ty Rice Field Corporation nộp đơn đăng ký bảo hộ vào ngày 4/8/2003 tại Mỹ, Công ty Starbucks Copporation cũng đã đăng ký bảo hộ thương hiệu này vào ngày 4/3/1998 tại Canada. Riêng tại Hàn Quốc, ông Lee Mi Hyang đã đăng ký nhãn hiệu trong đó có từ “Buon” cho nhóm 30 sản phẩm cà phê vào ngày 6/1/2005.

Quyết đòi lại “công lý”, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đại diện đứng tên khiếu kiện đòi lại thương hiệu, đồng thời đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Buonmathuot Coffee” ra các nước dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và các hình thức bảo hộ khác theo luật của các quốc gia.

Thậm chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - ông Y Dhăm Ênuôl cho biết đã quyết định chi khoảng 500 triệu đồng phục vụ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê ở 17 quốc gia, vùng lãnh thổ và theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đoạt thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã phối hợp với Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tại 17 quốc gia. Đến nay, các nước đã chấp nhận đăng ký bảo hộ có Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Singapore. Còn Mỹ, Đức, Anh, Canada, Hàn Quốc và Nhật Bản từ chối đăng ký bảo hộ. Thậm chí, Anh đã thông báo từ chối lần 2 sau khi phía Việt Nam nộp đơn phản đối việc từ chối lần 1.

Trước đó Văn phòng luật sư Phạm và liên danh, qua một công ty luật phía Trung Quốc, đã gửi thư đề nghị công ty này nhượng lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột với giá dưới 8.000 USD để tránh khiếu kiện kéo dài giữa hai bên.

Tuy nhiên sau đó công ty này ra mức giá quá cao nên Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột và UBND tỉnh Đắk Lắk không đồng ý thương lượng nữa mà tiến hành khởi kiện để đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.

Hồ sơ vụ kiện đòi lại thương hiệu “Buonmathuot Coffee” từ doanh nghiệp Trung Quốc đã trình lên cơ quan có thẩm quyền tại Trung Quốc vào ngày 13/3/2012, phía Trung Quốc sẽ xem xét và đưa ra câu trả lời chính thức trước năm 2015. 

Một thương hiệu cà phê lớn khác là Vinacafé Biên Hòa đang bị Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer công khai chào mua và hiện nay đã mua thành công 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ. 

Không phải vì liên doanh mà Vinacafé Biên Hòa bị Tập đoàn Masan thâu tóm nhưng thông qua con đường tạo thua lỗ triền miên khiến đối tác không đủ lực chịu lỗ rồi bán lại cổ phần.

Vinacafé Biên Hòa bị thâu tóm khi các cổ đông lớn bán cổ phiếu - Ảnh minh họa

Sau khi hoàn tất thâu tóm, Masan vẫn muốn tăng quyền lực của mình tại công ty ăn nên làm ra này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phần. Tính tới cuối năm 2012, Masan đã nắm giữ hơn 14,14 triệu cổ phiếu VCF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 53,2%. Nếu dự định này thành công thì thương hiệu Vinacafé Biên Hòa sẽ chẳng mấy chốc bị “biến mất” trên thị trường thay vào đó là một thương hiệu khác của Masan.

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Trước câu chuyện khởi kiện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, thương hiệu Việt đã không ít lần bị các doanh nghiệp nước ngoài nhanh tay đăng ký sở hữu. Như chuyện nước mắm mang tên gọi xuất xứ Phú Quốc được bảo hộ nhưng lại thuộc sở hữu của một công ty Thái Lan, ngoài ra còn có phần của một công ty Mỹ; cà phê Daklak được cho là của một nhà sản xuất người Pháp.

Việc đánh mất vài ba thương hiệu Việt có lẽ không phải chuyện đáng lo nhất mà chính là thái độ của một bộ phận những người có trách nhiệm, doanh nghiệp trong việc ý thức đối với việc gìn giữ, bảo vệ tài nguyên thương hiệu của quốc gia. Hiện nay, phần lớn thương hiệu xuất xứ từ Việt Nam đều ở trong tình trạng dễ bị chiếm đoạt, đặc biệt là các chỉ dẫn địa lý. Có người thậm chí còn nói ví von rằng nhiều thương hiệu Việt Nam chẳng khác của vô chủ đang “rơi vãi” ở nơi công cộng, ai nhanh tay thì nhặt được.

Trở lại câu chuyện đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, ông Tạ Quang Minh - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, khi nhãn hiệu đã được xác lập quyền cho người khác thì vẫn có khả năng lấy lại được. Về nguyên tắc, điều đó có thể thực hiện trên 3 cách: Thỏa thuận mua lại, ngoại giao hoặc tiến hành thủ tục để đình chỉ, hủy bỏ đăng ký của người khác.

Nước mắm Phú Quốc cũng bị nhiều công ty nước ngoài nhanh tay "đăng ký" sở hữu thương hiệu.

Ảnh minh họa

Theo ông Tạ Quang Minh, tại điều 10 và 15 của Luật Nhãn hiệu Trung Quốc, tên địa danh đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố, tên địa danh nước ngoài được biết đến rộng rãi và nhãn hiệu chứa chỉ dẫn địa lý mà hàng hóa không xuất xứ từ vùng đất đó, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng thì sẽ bị từ chối đăng ký và cấm sử dụng. Đây là một trong những lợi thế để Việt Nam có thể giành lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột.

Ông Nguyễn Văn Bảy, thành viên Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định những nhãn hiệu đã được cấp quyền sở hữu vẫn có thể bị tước nếu phát hiện thấy sai phạm. Do vậy, việc đòi lại nhãn hiệu Buôn Ma Thuột là có khả năng, nhưng không thể chỉ dựa trên cơ sở “Ở Việt Nam, ai cũng biết” mà cần các bằng chứng cụ thể.
 
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Đến nay đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ. Trong đó, 53 sản phẩm nông sản được xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, con số này là quá ít và thương hiệu Việt sẵn sàng bị mất bất cứ lúc nào.
 
Khác với các tài sản hữu hình, thương hiệu, cũng như các tài sản trí tuệ nói chung, là của cải tồn tại không phải bằng hình hài vật chất, mà chỉ ở trong nhận thức của con người. Việc nắm giữ, khai thác và bảo vệ thương hiệu hoàn toàn dựa vào công cụ luật pháp, chứ không dựa vào sức vóc của cơ bắp.

Trên nguyên tắc, muốn bảo vệ thương hiệu tại một quốc gia, thì phải đăng ký bảo hộ với nhà chức trách của quốc gia đó. Trong điều kiện sản phẩm được xuất khẩu, xúc tiến việc đăng ký tại các nước nhập khẩu hàng hoá là việc làm cần thiết.

Qua các vụ thương hiệu truyền thống nước mắm, cà phê bị thương nhân nước ngoài lấy mất, dễ có cảm tưởng rằng những người có liên quan trong nước còn chưa hiểu rõ vai trò của các công cụ giao tiếp pháp lý trong đời sống kinh tế đương đại, đặc biệt là trong việc xác lập và thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ.

Qua đó, cần rút ra bài học: Phải thay đổi sâu rộng nhận thức phổ biến trong bộ máy quản lý và trong xã hội về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ các thuơng hiệu Việt. Nếu không, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải chứng kiến nhan nhãn trên thị trường nội địa các sản phẩm mang tên Việt, mang địa danh Việt, nhưng lại được nhập khẩu đường hoàng từ nước ngoài, còn sản phẩm Việt đích thực thì lại bị cấm cửa ở xứ người với lý do vi phạm quyền sở hữu thương hiệu Việt của người nước ngoài.
 


  • 27/09/2013 11:07
  • Theo GDVN
  • 1859


Gửi nhận xét