Văn hóa doanh nghiệp và hoạt động cạnh tranh

Rất ít doanh nghiệp chú ý đến tầm quan trọng của văn hóa kinh doanh trong việc thay đổi trạng thái cạnh tranh: Cạnh tranh đồng đẳng hay cạnh tranh đồng hóa.

(Ảnh minh họa)

Cạnh tranh đồng đẳng

Cạnh tranh đồng đẳng là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có cùng chủng loại sản phẩm, dịch vụ và tương đồng về phân khúc khách hàng. Ví dụ như sự cạnh tranh giữa Pepsi với Coca-Cola, Unilever với P&G, Trung Nguyên với Vinacafe. Sự cạnh tranh này hướng tới mục đích hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp.

Trong mối quan hệ cạnh tranh này, các doanh nghiệp luôn có ý thức tăng lợi ích cho người tiêu dùng trên nhiều phương diện: Chất lượng, dịch vụ, truyền thông nhằm vượt lên đối thủ của mình. Đó chính là cạnh tranh về văn hóa: Văn hóa kinh doanh.

Văn hóa kinh doanh là một phần của đời sống cộng đồng, được con người xây dựng nên trong quá trình tổng hợp các giá trị về “nghệ thuật quản lý”, “đạo đức tập thể” và “cách thức tổ chức”...  khiến cho hoạt động kiếm lời của tập thể diễn ra lành mạnh và đạt hiệu quả kinh tế tối ưu trên thương trường.

- Lãnh đạo có “nghệ thuật quản lý” sẽ đào tạo được nhân viên luôn có ý thức cải tiến, tối ưu hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

- “Đạo đức tập thể” là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

- Muốn phát triển truyền thông, quảng cáo một cách đúng đắn, rõ ràng, hiệu quả trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu buộc phải có “cách thức tổ chức” chuyên nghiệp.

Cạnh tranh đồng hóa

Cạnh tranh đồng hóa là cạnh tranh giữa một doanh nghiệp nhỏ với một doanh nghiệp lớn có cùng chủng loại sản phẩm, dịch vụ và tương đồng về phân khúc khách hàng. Sự cạnh tranh này sẽ dẫn đến ba trường hợp: phá sản, tồn tại trong quy mô hẹp và sáp nhập vào doanh nghiệp lớn.

- Phá sản: Đứng trước sự cạnh tranh quá mạnh mẽ của công ty lớn, doanh nghiệp nhỏ rất dễ phá sản, chấm dứt kinh doanh hoặc chuyển đổi mặt hàng kinh doanh do không giữ được lập trường kinh doanh và không thể duy trì vốn đầu tư.

Muốn không rơi vào trường hợp này, doanh nghiệp nhỏ phải nắm bắt được đặc trưng tính cách, mong muốn, nhu cầu của đối tượng khách hàng trọng tâm và vận dụng tốt văn hóa kinh doanh. Có như vậy mới tìm được chỗ đứng trên thương trường.

- Tồn tại trong quy mô hẹp: Trước sự cạnh tranh của các hãng nước giải khát lớn trên thế giới (Pepsi, Coca-Cola, Nestlé...), Tân Hiệp Phát, Chương Dương, Tribeco vẫn tìm được chỗ đứng trên thị trường với các dòng sản phẩm phù hợp với văn hóa Việt, nhu cầu thưởng thức hương vị Việt.

Đó là sự thành công của sữa đậu nành, trà xanh, xá xị..., những hương vị thuần Việt, đậm chất Á Đông mà các thương hiệu phương Tây (xá xị Mirinda của Pepsi, trà xanh Real Leaf của Coca-Cola) khó có thể thay thế.

Tìm được chỗ đứng trên thương trường đã khó, giữ được chỗ đứng đó còn khó hơn. Bởi vậy, doanh nghiệp cần luôn có ý thức phát huy văn hóa truyền thống, bổ sung văn hóa hiện đại để tự bảo vệ và phát triển doanh nghiệp trở thành một thương hiệu mạnh quốc gia.

- Sáp nhập vào doanh nghiệp lớn: P/S nguyên là loại kem đánh răng có từ năm 1975 của Công ty Hóa phẩm P/S trực thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. Lúc bấy giờ, P/S là một trong những nhãn hiệu nổi tiếng, chiếm phần lớn thị phần kem đánh răng tại Việt Nam. Khi Unilever vào Việt Nam khai thác thị trường kem đánh răng đã mua lại nhãn hiệu P/S vào năm 1997.

Khi trở thành thành phần của tập đoàn đa quốc gia, nếu nhãn hiệu của sản phẩm vẫn giữ được văn hóa thương hiệu, tiêu chí hoạt động thì sẽ mang lại lợi ích cho xã hội. Như P/S, sau khi gia nhập Unilever đã phát triển vượt trội với những dòng sản phẩm mới có tính sáng tạo, hiệu quả, chất lượng hơn.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp đó không giữ được các giá trị văn hóa của nhãn hiệu sản phẩm như đã từng có thì nhãn hiệu đó sẽ dần mất đi, không giúp ích được gì cho xã hội cũng như cho doanh nghiệp đã tạo ra nó. Năm 1995, kem đánh răng Dạ Lan được sáp nhập vào Công ty đa quốc gia Colgate với giá 3 triệu USD, nhưng đã chính thức biến mất trên thị trường vào năm 1988.


  • 01/09/2011 03:50
  • Theo Doanh nhân Sài Gòn
  • 2821


Gửi nhận xét