Văn hóa nơi công sở

Một lần đến cơ quan nọ, tôi chứng kiến cảnh cán bộ tiếp dân đi làm muộn. Bà con ngồi chờ lâu sốt ruột, người ra kẻ vào ồn ào, lộn xộn. Khi có người thẳng thắn góp ý, cán bộ này không những không nhận thấy thiếu sót, còn gắt gỏng và đổ lỗi cho đường sá ùn tắc.

Cần có thái độ ân cần lịch thiệp khi tiếp dân (Ảnh minh họa)

Lại có nhiều nơi dân đến, cán bộ mặt lạnh tanh, thấy cụ già bước vào không chào hỏi, khiến cụ già phải lên tiếng trước. Thay vì là những người có trách nhiệm phục vụ nhân dân, vẫn còn không ít cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện đúng nghĩa hai từ phục vụ. Ở không ít công sở, người đến giao dịch thường nhận được những câu giao tiếp thiếu chủ ngữ như: 'Có việc gì?', 'Ði đâu?', 'Gặp ai?'... Thái độ kẻ cả, lạnh lùng, hách dịch, đang diễn ra như 'chuyện thường ngày... nơi công sở', nhất là ở những nơi thường xuyên giải quyết các công việc có liên quan đến người dân, như công chứng, bệnh viện, cơ quan công quyền...

Trong công sở, mặc dù đã có nội quy cấm hút thuốc lá, có bảng cấm hút thuốc lá gắn trên tường, nhưng nhiều người, ngay cả giám đốc, phó giám đốc và trưởng, phó phòng... vẫn không chấp hành triệt để, hay chỉ chấp hành chiếu lệ. Trong phòng làm việc đang mở máy lạnh, đông người, kể cả có phụ nữ đang mang thai, họ vẫn nhả khói thản nhiên. Có người quăng, vứt tàn thuốc một cách vô tư ra hành lang, cầu thang, vứt nơi nào tiện tay, mặc dù gần đấy đã để sẵn thùng rác.

Thời kỳ bùng nổ thông tin, điện thoại di động hầu như mỗi người đều có một chiếc. Khi trò chuyện bằng điện thoại di động, nhiều người không giữ ý, giữ tứ, làm phiền mọi người chung quanh, bất kể đó là khi đang làm việc hay họp hành. Thậm chí cả khi đang ngồi bàn chủ tọa, người ta vẫn mở máy nói chuyện trong khi tất cả mọi người chờ đợi.

Văn hóa nơi công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, mà còn thể hiện trình độ văn hóa của mỗi người. Văn hóa nơi công sở không đồng nghĩa với trình độ học vấn và đáng tiếc là, không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với học vấn. Bởi thế, số công chức, viên chức có trình độ học vấn chiếm tỷ lệ cao, nhiều người bằng cấp đầy mình, nhưng vẫn thiếu văn hóa trong cách làm việc, ứng xử với đồng nghiệp, với người dân.

Lời chào cao hơn mâm cỗ. Một nụ cười cũng có thể là một lời chào. Một câu xin lỗi đôi khi cũng là một lời chào chứ đâu phải lúc nào cũng hiểu đó là vấn đề xác định lỗi phải. Ðiều đó không chỉ có ý nghĩa tích cực trong mối quan hệ giữa người dân và các cơ quan quản lý mà còn thể hiện tính văn hóa, văn minh giữa những con người với nhau.

Công sở là nơi thường xuyên tiếp xúc với dân, với các cơ quan hữu quan, bạn đồng nghiệp, cho nên cán bộ, công chức làm việc ở công sở cần có sự ứng xử văn minh, thanh lịch trong giao tiếp, có văn hóa ở nơi công tác. Ðể làm tròn nhiệm vụ, mỗi cán bộ cần trang bị những kiến thức cơ bản về lĩnh vực mình đảm nhận, để dễ dàng đưa ra được cách giải quyết tốt nhất cho người dân, mà không mất thời gian, thay vì đùn đẩy trách nhiệm. Có lẽ, mỗi cơ quan, đơn vị cần có chế tài phù hợp để xử lý với những người vi phạm Quy chế văn hóa công sở, mới mong xây dựng môi trường văn hóa công sở ngày càng trong lành. Thực hiện văn hóa công sở chính là một phần của yêu cầu cải cách hành chính; góp phần làm trong sạch, lành mạnh bộ máy nhà nước. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn nhớ rằng công việc của mình là phục vụ nhân dân. Một câu nói không bao giờ cũ là: 'Mình vì mọi người, mọi người vì mình'.


  • 11/01/2012 04:10
  • Theo nhandan.com.vn
  • 2760


Gửi nhận xét