Văn hóa ứng xử chốn công sở

Những nghi thức ứng xử chốn công sở đã trở thành việc nên làm và đôi khi là bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, không phải ai cũng chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc với nhiều lý do khác nhau.

Cách hành xử văn hóa chốn công sở hay còn gọi là văn hóa ứng xử mang lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, nó là thước đo sự văn minh của mỗi nhân viên. Thứ hai, nó góp phần xây dựng môi trường làm việc hiện đại và thân thiện. Thứ ba, môi trường làm việc thân thiện tạo điều kiện cho nhân viên lao động hứng khởi và thoải mái.

Bạn sẽ được đồng nghiệp nể trong khi luôn biết cư xử đúng mực. (Ảnh minh họa)

Nghi thức ứng xử chốn công sở là những điều “hiển nhiên biết” nhưng không hẳn là “hiển nhiên làm” của phần đông dân công sở. Đó có thể do ý thức hoặc có những trường hợp nhân viên chưa nhận thức được phải làm như thế nào để có một cách hành xử văn minh. Nếu bạn đang trong giả thiết thứ hai hãy tham khảo các cách lý giải dưới đây và bắt đầu công cuộc thay đổi để trở thành một nhân viên văn minh và lịch thiệp.

1. Không ôm đồm nhiều thứ đến văn phòng cùng phong cách ăn vận “không giống ai”. Điều này ảnh hưởng đến danh tiếng chuyên nghiệp của bạn. Vì vậy, nếu bạn nhận mình là dân chuyên nghiệp hoặc đang trong quá trình xây dựng thương hiệu này hãy chú ý đến cách ăn mặc của bản thân. Bởi, tính chuyên nghiệp không chỉ toát ra từ tác phong làm việc mà còn ở hình thức bề ngoài.

2. Luôn giữ điện thoại ở chế độ rung hoặc im lặng. Nếu nơi làm việc cho phép bạn nghe nhạc thì hãy đeo tai nghe hoặc vặn vừa đủ nghe. Tránh gây tiếng ồn làm ảnh hưởng đến tốc độ làm việc của đồng nghiệp và phá vỡ bầu không khí yên tĩnh chốn văn phòng. Những điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng chấp hành và thực hiện một cách nghiêm túc.

3. Luôn ý thức giữ gìn văn phòng sạch sẽ. Nếu bạn không có thời gian cho bữa sáng và muốn mang lên văn phòng hãy chắc chắn trải khăn để giữ cho bàn sạch sẽ và vứt rác vào thùng đúng quy định.

4. Nếu bạn có cuộc gọi quan trọng và không thể không nghe, hãy ra ngoài nói chuyện. Điều này vừa giúp bạn thoải mái vừa không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp.

5. Hầu hết nhân viên đều có máy vi tính riêng, đó có thể là do công ty cung cấp hoặc đó là tài sản riêng của bạn. Tuy nhiên, đừng lam dụng máy tính vào những trò tiêu khiển như: Lướt web, chatting, blog… điều này không chỉ ảnh hưởng đến năng suất công việc mà còn tác động vào ý thức của bạn.

6. Gõ cửa trước khi vào phòng khách, phòng sếp hoặc bất kỳ phòng của một bộ phận nào đó. Nếu trong trường hợp bạn “vay” giấy tờ, dập ghim, đánh dấu... hãy nhớ gửi lại một lời cám ơn chân thành.

7. Tránh ho và hắt hơi thẳng hướng với người đối diện. Nếu bạn “lỡ” làm, hãy chắc chắn đã nói lời "mong thông cảm".

8. Tránh nói những lời tục tĩu tại nơi làm việc. Không làm người khác khó chịu vì lối nói chuyện thiếu “duyên” như “ăn to nói lớn”, nói nhanh, bộp chộp, hay xen vào chuyện người khác.
 
9. Giữ gìn bàn làm việc gọn gàng, sạch sẽ và được bố trí một cách đẹp mắt, có khoa học. Bàn làm việc ở công ty cũng giống như căn phòng ngủ của bạn ở nhà. Vì vậy, nếu muốn biết bạn là người sạch sẽ hay không chỉ cần nhìn bàn làm việc của bạn sẽ nhận biết được điều đó.   


  • 24/10/2011 10:00
  • Theo Dân trí
  • 2722


Gửi nhận xét