Có thể nói, thời gian qua dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc sản phẩm sữa của Tập đoàn Fonterra, nhà sản xuất sữa lớn nhất New Zealand và là nhà xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới, bị nhiễm khuẩn.
Ảnh minh họa
|
Chiếm khoảng 30% sản lượng sữa toàn thế giới và 90% lượng sữa xuất khẩu của New Zealand với định vị thương hiệu “100% pure green” (sữa sạch và tinh khiết 100%), Fonterra có thể coi là "bộ mặt" xuất khẩu của quốc gia này. Tuy nhiên Fonterra lại “dính” vào khá nhiều vụ bê bối sữa lớn. Trước vụ scandal sữa nhiễm khuẩn gần đây được phanh phui, Fonterra đã dính tới nhiều vụ việc khác, trong đó nổi tiếng nhất là vụ sữa nhiễm độc melamine tại Trung Quốc.
Một lần nữa vấn đề an toàn chất lượng sữa lại được gióng lên sau vụ bê bối "sữa bẩn" ở Trung Quốc năm 2008. Đó là scandal về sữa lớn nhất từ trước đến nay với cái chết của 6 trẻ em và gần 300.000 trẻ khác bị ảnh hưởng. Trung tâm của vụ scandal này là Tam Lộc – một trong những công ty sữa lớn nhất Trung Quốc.
Đáng chú ý là tại thời điểm đó, Fonterra đang nắm tới 43% cổ phần trong liên doanh với Tam Lộc, đóng vai trò hỗ trợ công ty sữa Trung Quốc phát triển các trang trại bò sữa, đồng thời có 3 thành viên trong hội đồng quản trị gồm 7 người của liên doanh.
Fonterra đã thoát hiểm như thế nào?
"Đổ lỗi cho đối tác, mát tay với truyền thông và khôn khéo với chính giới" là những gì mà Fonterra đã làm để lấy lại hình ảnh của mình.
Do lượng xuất khẩu của Fonterra quá lớn, chiếm tới 90% tổng lượng xuất khẩu sữa của New Zealand, mối quan hệ và hình ảnh giữa Fonterra và New Zealand là không thể tách rời. Mọi vụ việc liên quan đến tập đoàn này, chính phủ New Zealand đều tham gia giải quyết. Theo đó, ngay chính trong thời khắc quan trọng đó, Fonterra nhanh chân tìm đến một người phát ngôn uy tín lên giải thích tình hình cho dư luận, và người đó không ai khác chính là đương kim thủ tướng New Zealand - Helen Clark.
Tiếp đó, Fonterra đã dùng chiến thuật đổ mọi tội lỗi cho đối tác -Tam Lộc. Theo đó, CEO của Fonterra khẳng định, Tam Lộc đã lừa dối Fonterra, sai lầm lớn nhất của họ chỉ duy nhất ở việc đá quá tin tưởng đối tác Trung Quốc.
Nhanh chóng sau đó, hãng sữa New Zealand tuyên bố rời khỏi liên doanh với Tam Lộc, rút khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD, mặt khác, Fonterra khẳng định các sản phẩm của mình là đảm bảo chất lượng.
Bằng cách này, Fonterra vẫn cho thấy mình hoàn toàn có trách nhiệm, nhưng lại hướng mũi rìu dư luận tới hãng sữa Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là một mối lo lớn của chính phủ Trung Quốc, nên những lập luận của Fonterra tỏ ra khá thuyết phục.
Không dừng lại ở đó, Fonterra luôn nhấn mạnh rằng người tiêu dùng Trung Quốc đã mất niềm tin vào Tam Lôc, chứ không phải Fonterra, và Fonterra đang dùng mọi khả năng để xây dựng lại chuỗi cung ứng sữa bò.
Ứng biến tài tình, Fonterra nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Kết quả là Tam Lộc phá sản, 21 công ty sữa khác của Trung Quốc chịu ảnh hưởng. Còn thị phần sữa của Fonterra tại Trung Quốc sau vụ việc lại lớn mạnh dần lên khi người tiêu dùng nước này không còn tin tưởng sản phẩm nội địa và quay sang dùng các loại sữa ngoại.