“Xe đạp” trên đường dây tải điện

Trong quá trình đi thực tế tại Truyền tải điện Quảng Ngãi (Công ty Truyền tải điện 2), tôi bắt gặp một nhóm công nhân đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra dây dẫn đường dây 220 kV Quảng Ngãi – Dốc Sỏi, mục sở thị anh em di chuyển trên dây dẫn điện bằng một chiếc xe “như kiểu” đi xe đạp.

Thao tác trên chiếc xe đạp ra dây. Ảnh: QT

Đã nhiều năm công tác trong ngành Điện, nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy kiểu ra dây độc đáo như vậy, bởi đối với những loại xe ra dây khác, công nhân đều phải vận hành bằng tay, có người kéo bằng dây thừng và phải có nhiều người tham gia, dẫn đến tiến độ thực hiện chậm. Để tìm hiểu kỹ hơn, tôi đã gặp anh Nguyễn Trí Hiếu -  Đội trưởng Đội Truyền tải điện Quảng Ngãi, tác giả của sáng kiến.

Anh Hiếu cho biết: Hiện nay, để di chuyển dọc dây, thông thường công nhân sử dụng phương pháp di chuyển thủ công, người thao tác ngồi lên dây, dùng tay nâng cơ thể và dịch chuyển dần theo dọc dây. Nhưng cách này gặp rất nhiều khó khăn, vừa tốn sức do phải dùng tay nâng trọng lượng cơ thể dịch chuyển dọc dây, lại không an toàn vì khó lấy thăng bằng trên 1 sợi dây, đồng thời khả năng bị lật nhào xuống là rất cao và thông thường chỉ thực hiện khi kiểm tra đoạn dây dẫn gần các cột, không ra xa được.

Cũng có cách khác là sử dụng xe ra dây, nhưng cũng mất rất nhiều công sức và phải có người kéo xe bằng dây thừng. Nhiều khoảng cột cách mặt đất hàng chục mét, do vậy việc vận chuyển cũng không hề dễ dàng. Hoặc, khi thực hiện sửa chữa bằng đầu gióng được gắn puly và lắp vào dây, việc di chuyển gióng phụ thuộc mức độ thời tiết, nếu có gió mạnh sẽ khó thao tác khi tháo lắp xe vào dây, cần nhiều người tham gia, tính chủ động không cao, không thực hiện được khi dưới khoảng dây có bụi rậm, đầm lầy, vượt sông, suối, ao hồ… Người ngồi trên gióng bị chao lắc theo mọi phía nên không an toàn.

Anh Nguyễn Trí Hiếu –  tác giả của sáng kiến kiểm tra trước khi cho xe ra dây.      Ảnh: QT

Để đảm bảo công tác kiểm tra sửa chữa được thuận lợi, đặc biệt là giảm thiểu thời gian thao tác, sức lao động, tăng cường độ an toàn cho công nhân của đơn vị trong việc kiểm tra, sửa chữa đường dây, anh Nguyễn Trí Hiếu đã cùng anh em tìm tòi, suy nghĩ và tự sáng chế, hoàn chỉnh chiếc xe đạp ra dây.

Khi được hỏi về nguyên lý cấu tạo của xe đạp ra dây, anh Hiếu cho biết thêm: Chúng tôi tiến hành gia công xe đạp đi trên dây gồm khung xe kết hợp với 2 puly sử dụng cơ cấu hệ thống truyền động bằng dây xích, líp, đĩa, bàn đạp, phanh...

Khung xe dạng kép để thuận tiện trong thao tác tháo lắp vào dây dẫn, dây chống sét không cần tháo bu lông liên kết, đồng thời tạo tư thế ngồi làm việc thoải mái cho người công nhân; 2 puly sắt (hoặc hợp kim nhôm) được gia công có rãnh phù hợp với kích cỡ của dây cần thực hiện công tác.

Để tránh trường hợp puly chạy trên dây dẫn làm xước dây rãnh đồng thời tăng độ ma sát (độ bám của puly lên dây), rãnh puly được đệm lót bằng cao su mềm. Chúng tôi cũng lường trước tình huống, lớp lót cao su đệm rãnh puly bị mòn trong quá trình vận hành phải thay thế, nên đã sử dụng loại puly gồm 2 phần liên kết với nhau bằng ren gai; hệ thống phanh hãm để hạn chế tốc độ xe hoặc cố định khi dừng tại vị trí công tác. Các chi tiết phụ trợ như: ghế ngồi, móc treo... đều được nghiên cứu, chế tạo đồng bộ.

Để thực hiện thao tác đưa xe ra dây dẫn chỉ cần một người trèo lên cột bố trí puly, dây thừng để kéo xe lên sau đó thả từ từ, người ngồi đầu sứ chỉnh để xe lọt vào dây dễ dàng. Khi 2 puly đã nằm trên dây, công nhân di chuyển xuống khung xe để lật ghế ngồi và ngồi vào vị trí đạp xe, đạp nhẹ nhàng dọc dây đến điểm cần tiến hành công việc. Khi thực hiện xong công việc, nếu điểm công tác gần cột nào thì di chuyển về cột đó để xuống (có thể đạp tới hoặc đạp lùi để đến cột phía trước hoặc cột phía sau), thao tác tháo xe theo trình tự ngược lại so với khi lắp đặt.

Giải pháp này giúp cho việc thao tác đơn giản, thuận tiện hơn, sử dụng hệ thống truyền động bằng dây xích, đạp bằng chân, do đó giảm nhẹ được sức lao động; tốc độ di chuyển của xe đều đặn, ổn định, giảm được chao lắc trong hành trình di chuyển, nên ít tác động các lực xung lên dây, tạo được khoảng không làm việc (khoảng giữa 2 puly) với ghế ngồi thoải mái và thuận tiện trong thao tác, giảm thời gian thao tác sửa chữa, tăng chất lượng công việc, tính an toàn cho người thực hiện cao hơn và cuối cùng là giảm được thời gian cắt điện đường dây để xử lý, đảm bảo cung cấp điện liên tục cho phụ tải...

Sáng kiến xe đạp trên dây đã thật sự mang lại hiệu quả. Do vậy, Hội đồng sáng kiến của Công ty Truyền tải điện 2 đã chính thức công nhận sáng kiến kỹ thuật này và đang được ứng dụng rộng rãi trong toàn Công ty.


  • 09/09/2011 03:52
  • Nguyễn Quang Thắng
  • 3579


Gửi nhận xét