Với công suất 6.000 MW, dự án sẽ cung ứng đủ điện cho nhu cầu sử dụng của hơn 80 triệu người Ấn Độ - Nguồn ảnh: ABB
|
Theo đó, hệ thống truyền điện tải trực tiếp siêu cao áp (UHVDC) Raigarh-Pugalur 800 kV sẽ kết nối Raigarh ở miền Trung Ấn Độ với Pugalur tại phía Nam Tamil Nadu. Đường truyền dài 1.830 km này sẽ là một trong những đường truyền tải điện dài nhất thế giới, với công suất 6.000 MW (tương đương với công suất của hơn 6 nhà máy điện lớn) sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của hơn 80 triệu người ở Ấn Độ.
Đường dẫn hai chiều này tích hợp năng lượng nhiệt và gió để truyền tải điện năng đến các trung tâm tiêu thụ nằm cách đó hàng ngàn cây số, hỗ trợ nhu cầu sử dụng điện ở phía Nam khi sức gió yếu và truyền năng lượng sạch tới miền Bắc khi năng lượng gió dồi dào.
Tổng giám đốc Tập đoàn ABB - ông Ulrich Spiesshofer cho biết: “ABB giữ vững cam kết với Ấn Độ trong hơn một thế kỷ qua, và với dự án này, chúng tôi một lần nữa mang tới cho Ấn Độ những lợi ích từ cuộc cách mạng năng lượng. Với công nghệ đỉnh cao UHVDC, chúng tôi sẽ giúp cân bằng giữa nguồn điện thông thường và nguồn điện tái tạo trên một đường truyền dài thông minh và đáng tin cậy.”
Dự kiến, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2019. Dự án cũng đi kèm các công nghệ được lựa chọn khác của ABB nhằm giảm thiểu diện tích đất cần cho các trạm biến áp.
Hệ thống truyền tải điện UHVDC là một bước phát triển nâng cấp của HVDC - một công nghệ mà ABB đã tiên phong dẫn đầu từ hơn 60 năm trước. Cụ thể, đường truyền HVDC giúp bảo tồn đất đai vì chúng chỉ chiếm một phần ba không gian so với các phương thức khác. Trong trường hợp này, nó tiết kiệm được khoảng 244 km2 không gian – khoảng một phần ba diện tích của Bangalore, tương đương với toàn bộ thành phố Kuala Lumpur.
Được biết, ABB đã thực hiện khoảng 110 dự án HVDC, tương đương với tổng công suất lắp đặt của hơn 120.000 MW, chiếm khoảng một nửa số lượng HVDC đã được lắp đặt trên toàn cầu.