Bừng sáng những hải đảo phương Nam

Đã có một cuộc “cách mạng” về cấp điện ở Phú Quốc làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân huyện đảo.

Trên chuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới nối Phú Quốc với Hòn Thơm để ngắm nhìn toàn cảnh đảo ngọc, một hướng dẫn viên quê Phú Quốc nói về những đổi thay của hòn đảo rồi chốt một câu: "Phú Quốc bây giờ rực sáng, người dân địa phương chúng tôi sẽ không bao giờ quên cột mốc năm 2014".

Cột mốc đó là gì? Điều mà hướng dẫn viên này muốn nói đến đó là thời điểm hòn đảo được dùng lưới điện quốc gia thông qua hệ thống cáp ngầm vượt biển đầu tiên tại Việt Nam. 

Cáp điện xuyên đại dương ra đảo ngọc 

Nhìn qua flycam về đêm, đảo ngọc sáng trưng đèn điện từ những dãy phố nhộn nhịp, những quầy bar trên bãi biển hay những sân khấu ngoài trời xập xình tiếng nhạc... Ít ai biết được rằng chỉ mới hơn 6 năm trước, dân huyện đảo này đã có lúc phải dùng đèn dầu leo lét bởi nguồn điện hữu hạn chạy từ máy phát trên đảo. 

Đã có một cuộc “cách mạng” về cấp điện ở Phú Quốc làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân huyện đảo khi Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đầu tư tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, đây là tuyến cáp ngầm xuyên biển lớn nhất Đông Nam Á thời điểm ấy. 

Điều đặc biệt, đây cũng là dự án xây dựng cáp ngầm xuyên đại dương đầu tiên ở Việt Nam, tổng mức đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng với điểm nhấn là gần 58km đường dây ngầm dưới lòng biển. 

Là người “tổng chỉ huy” của dự án đặt nền móng cho việc kéo điện xuyên biển ra các đảo của ngành điện, ông Nguyễn Thành Duy - nguyên chủ tịch kiêm tổng giám đốc EVNSPC - cho biết để dự án này được đóng điện, đưa vào vận hành ngày 5-2-2014 sau chỉ vỏn vẹn 3 tháng thi công, những người xây dựng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ngay cả khi đã vận hành bản thân ông Duy vẫn “chưa hết áp lực”. 

Theo ông Duy, dự án đưa lưới điện ra Phú Quốc có quy mô lớn và kỹ thuật phức tạp khi lần đầu tiên ở Việt Nam làm cáp ngầm 110kV xuyên biển dài gần 58km. “Trước đó, chúng tôi chưa hình dung được nó ra sao, thuê người làm như thế nào. Rồi công tác đấu thầu, điều kiện thi công… mọi thứ hoàn toàn mới mẻ với chúng tôi” - ông Duy nói. 

Đêm Phú Quốc nhìn từ flycam. Đảo ngọc Phú Quốc bừng sáng về đêm khi sử dụng điện 24/24 giờ từ lưới điện quốc gia.

Vươn khơi mang dòng điện đến dân đảo 

 

"Những năm qua, EVNSPC đã phát huy mọi nguồn lực, tận dụng các cơ hội và vận dụng nhiều giải pháp để lưới điện quốc gia không ngừng thắp sáng các huyện đảo phía Nam của Tổ quốc, với thành tích ấn tượng là đảm bảo điện cho 100% huyện đảo do EVNSPC quản lý".

Ông Nguyễn Văn Hợp - Chủ tịch HĐTV EVNSPC

Song hành “kỳ tích” mang điện quốc gia đến với Phú Quốc, EVNSPC tiếp tục thắp sáng những hải đảo của Tổ quốc ở khu vực phía Nam khi huyện đảo Kiên Hải (Kiên Giang) đã được cấp điện bằng điện lưới quốc gia và 3 huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Vũng Tàu) và Trường Sa (Khánh Hòa) cũng đã được cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ. 

Đội ngũ của EVNSPC đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trong đó phải kể đến sự khắc nghiệt của thời tiết trên biển, dông bão, điều kiện thi công phức tạp, phụ thuộc hoàn toàn vào đặc thù địa chất từng vùng biển… 

Ông Nguyễn Văn Hợp - chủ tịch EVNSPC - cho biết việc đầu tư xây dựng các công trình điện ra các huyện, đảo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công tác vận chuyển vật tư, thiết bị, do giao thông đường thủy là chủ yếu. 

Theo ông Hợp, có những dự án, các kỹ sư, công nhân phải xây dựng móng cột điện cao hơn 10m ở mép đảo, hay có những thời điểm đang thi công thì bão, áp thấp nhiệt đới ập đến… 

Khi triển khai dự án đưa điện lưới quốc gia ra đảo bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải và các xã đảo Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre, Tiên Hải (Kiên Giang) hay đường dây 220kV Kiên Bình - Phú Quốc đang thi công hiện nay đều có đến 40% thời gian thi công phải thực hiện trong điều kiện sức gió từ cấp 5 trở lên... 

Có những thời điểm biển động khiến tiến độ dự án tưởng như không cách nào có thể “đúng hẹn”. 

Hay đối với quần đảo Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió, ông Hợp kể rằng do vị trí địa lý cách xa đất liền và bao gồm nhiều đảo, điểm đảo trải dài trên vùng biển rộng lớn, nên việc cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 khó khăn hơn bội phần. 

Việc vận hành hệ thống điện “nơi đảo xa” cũng lắm truân chuyên khi thường xuyên hứng mưa bão hay các thiết bị điện trên đảo dễ bị hư hỏng do hàm lượng muối trong không khí khá cao...

Link gốc


  • 04/09/2020 10:31
  • Nguồn: tuoitre.vn
  • 3710