Cải tiến Luật điện lực:Phù hợp hơn với điều kiện mới

Ra đời từ 3/12/2004 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2005, nhưng đến nay một số điều trong Luật Điện lực đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Không những nhiều chỗ quy định quá chặt, chỗ quá lỏng, gây khó khăn cho việc thực hiện, mà còn mâu thuẫn với nhiều văn bản dưới luật đã được ban hành.

Tại hội thảo lấy ý kiến lần thứ hai cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến đóng góp từ các chi tiết tới tinh thần chung của Luật đã được các đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, nhà đầu tư vào ngành Điện và doanh nghiệp tiêu thụ điện đã được đưa ra.

Ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho rằng, dự thảo quy định về việc cơ quan điều tiết điện lực được phép thông qua nội dung hợp đồng giữa đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện là không hợp lý vì không bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, đồng thời vi phạm tính tự do thỏa thuận, giao dịch của Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, quy định cơ quan điều tiết điện lực được phép quyết định doanh thu của một doanh nghiệp là vi phạm quy tắc chủ động trong kinh doanh của đối tượng này.

Còn theo đại diện Tổng công ty Điện lực (Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam – TKV), mặc dù luật Điện lực đã quy định tương đối cụ thể quyền và nghĩa vụ của các đơn vị điện lực, nhưng có một số vấn đề như: “Trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên mua điện”; “đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện”; “phối hợp đầu tư, bảo vệ công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ”; “trách nhiệm đầu tư, quản lý đường dây dẫn từ sau công tơ”; “bồi thường thiệt hại cho bên bán điện trong trường hợp sử dụng non tải máy biến áp:… lại chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, nên các đơn vị điện lực còn lúng túng khi triển khai thực hiện.

Trong dự thảo lần này, các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến giá điện. Theo GS. Trần Đình Long – Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam, giá điện Việt Nam hiện nay còn quá rẻ, phải tăng giá thì mới có doanh nghiệp đầu tư vào. Tuy nhiên, nếu tăng giá bằng với giá thế giới thì lại không hợp lý vì thu nhập của người dân Việt Nam quá thấp. Ông Long cho rằng, cần tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu ngành điện. Trước mắt thành lập công ty phát điện độc lập để có thể phát điện một cách sòng phẳng, minh bạch. Trong giai đoạn thị trường phát điện cạnh tranh thì cần làm càng sớm càng tốt. Nếu thị trường điện minh bạch, sẽ có mức giá mọi người đều có thể chấp nhận được.

Đối với quy hoạch phát triển điện lực địa phương được lập trên cơ sở chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho từng giai đoạn 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo. Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, Tổng cục Năng lượng và Hội Điện lực Việt Nam đều cho rằng, thời gian quy hoạch nên rút ngắn còn 5 năm vì thực tế việc phê duyệt quy hoạch thường rất chậm. Tuy nhiên, theo ý kiến của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và đại điện Sở Công Thương tỉnh Hà Nam, quy hoạch 5 năm là quá ngắn vì quy hoạch này phải dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, đa phần là 10 năm. Để lập quy hoạch thường mất từ 1 – 2 năm, nếu chỉ có 3 – 4 năm thực hiện không thể liên tục điều chỉnh được, không giải quyết được quy hoạch mang tính dài hạn. Do đó, nên thống nhất thời gian thời gian lập quy hoạch là 10 năm. Thứ trưởng khẳng định, quy hoạch cấp huyện độ chi tiết hơn cấp tỉnh vì vậy quy hoạch này sẽ bị điều chỉnh liên tục, không đưa ra cho các cơ quan quản lý những quyết định mang tính dài hạn. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, chi phí không lập quy hoạch quận huyện, chỉ cấp quy hoạch điện lực quốc gia là địa phương và cấp tỉnh. Vấn đề này đã được Chính phủ chỉ đạo, và không nên đưa nhiều loại quy hoạch vào luật. Đối với vấn đề quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư, Ông Trần Đình Long cho rằng, cần quy định rõ hơn cơ chế thưởng, phạt đối với các chủ đầu tư. Bởi trên thực tế, do không phải cam kết, không áp dụng các chế tài sử lý như trong cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu làm chủ đầu tư, nên hầu hết các chủ đầu tư không tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt về thu xếp vốn, các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thiết kế, mua sắm, xây lắp dẫn đến việc hầu hết các dự án điện đều bị chậm tiến độ.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong thời gian tới, tất cả những vướng mắc, bất cập, hạn chế trong dự thảo lần thứ 2 của Luật Điện lực sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ xung và hoàn thiện để cuối năm 2011 trình Thủ tướng Chính phủ và sau đó trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII.


  • 21/10/2011 10:00
  • Theo Thời báo kinh tế Việt Nam
  • 4019


Gửi nhận xét