Địa bàn xã khá rộng, có đến 11 thôn, lại nằm sâu vào trong các dãy núi, cách xa đường trục cấp điện cho trung tâm huyện nên việc đầu tư lưới điện 22 kV về xã được thực hiện theo 2 hướng: Hướng thứ nhất, xây dựng đường dây trung áp xuất phát từ xã Tam Dân (TP.Tam Kỳ) lên phục vụ cho thôn 1 của xã; hướng thứ hai kéo đường dây trung áp đấu nối từ xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) vào sâu trong núi cấp điện cho các thôn còn lại của xã và phục vụ cho việc khai thác Mỏ vàng Bông Miêu.
Từ năm 2009, địa phương bàn giao lưới điện này cho Công ty Điện lực Quảng Nam mà trực tiếp là Điện lực Tam Kỳ và Điện lực Tiên Phước được giao nhiệm vụ trực tiếp bán điện đến hộ phù hợp với kết cấu lưới điện trung, hạ áp do mỗi đơn vị quản lý, vận hành.
Một buổi ra quân phát quang hành lang tuyến trên địa bàn xã Tam Lãnh
|
Với tổng cộng 37 km đường dây trung áp, hơn 25 km đường dây hạ áp chạy qua nhiều địa hình núi non hiểm trở, sông suối chia cắt, qua nhiều xóm dân và rừng cây trồng, song trong những năm qua, việc bảo đảm hành lang an toàn lưới điện nơi đây được thực hiện khá tốt. Theo thống kê của Điện lực Tiên Phước, sự cố lưới điện có nguyên nhân do xâm phạm hành lang an toàn lưới điện trong xã hầu như không có, dù rằng phần lớn lưới điện do sử dụng lâu ngày đã xuống cấp.
Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND xã: “Dù trước đây là tài sản của địa phương hay gần đây đã bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Nam quản lý bán điện trực tiếp cho dân thì UBND xã vẫn luôn coi trọng việc phối hợp cùng ngành Điện bảo vệ lưới điện, phát quang hành lang tuyến. Cứ mỗi quý một lần, xã cử lực lượng phối hợp với ngành điện tổ chức kiểm tra, phát quang hành lang tuyến. Đầu mùa mưa hàng năm, rà soát toàn bộ các xuất tuyến. Ngoài ra, người dân trong xã cũng rất có ý thức, không thực hiện những hành vi xâm hại lưới điện như cơi nới nhà cửa hoặc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ trong hành lang an toàn lưới điện”.
Từ việc kiên quyết thực hiện các biện pháp an toàn hành lang lưới điện mà tại Tam Lãnh, các công trình dân sinh được kiên cố hoá không có đối tượng nào vi phạm hành lang lưới điện; rất ít các công trình sử dụng mái nhà làm bằng vật liệu dẫn điện nằm dưới đường dây trung áp nhưng tất cả đều có tiếp đất. Cây cối dưới hành lang tuyến phần lớn là cây bụi, thi thoảng có cây lớn thì cũng đã được chặt ngọn, tỉa cành gọn ghẽ.
Bà Nguyễn Thị Trinh, một người dân trong thôn, tâm sự: “Tôi mở quán bán hàng ăn uống nên rất cần có điện ổn định để thu hút khách. May thay ở đây hầu như không có chuyện cắt điện lặt vặt, cũng không có chuyện mất điện do cây ngã đổ vào lưới điện”.
Theo bà Trinh, do cách làm khá tích cực của UBND xã và ngành Điện nên người dân rất “thấm” và tự mình xử lý những điểm “bất an” do mình gây ra đối với hành lang tuyến. Còn đối với những hộ neo đơn, những vườn cây trồng rộng lớn thì UBND xã cử lực lượng phối hợp cùng công nhân điện tổ chức chặt cây, tỉa cành.
Như vậy có thể thấy, câu chuyện vi phạm hành lang lưới điện từ lâu đã không còn là chuyện bức xúc, trăn trở ở Tam Lãnh, bởi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với Công ty Điện lực Quảng Nam, với sự hậu thuẫn và hỗ trợ đầy tinh thần trách nhiệm của người dân trong xã. Ngay cả việc giao đất, giao rừng để người dân canh tác ở những vùng có lưới điện đi qua, UBND xã cũng cảnh báo trước khi giao đất để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.
Việc giảm thiểu, tiến đến chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Tam Lãnh, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người dân như bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn cho người và tài sản mà còn giữ vững ổn định sản lượng điện cung ứng, giảm công sức và tiền của khi xử lý sự cố của đơn vị cung ứng điện.