Tại buổi tọa đàm “Điều chỉnh giá điện - Nhìn từ nhiều phía” do Cổng thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức sáng 21/3, câu chuyện về lý do điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân 8,36% từ ngày 20/3 của Bộ Công Thương được các chuyên gia bình luận và giải đáp nhiều thắc mắc vì đây là vấn đề “nóng” và đang được xã hội hết sức quan tâm.
Không ai muốn tăng giá điện
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, giá điện được điều chỉnh lần này thực hiện theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ. Việc tăng giá lần này Bộ Công Thương làm theo đúng quyết định và trên cơ sở xem xét, tiến hành thẩm định các thông số đầu vào như cơ cấu nguồn, giá nhiên liệu, tỷ giá, chi phí mua điện của các đơn vị cộng với chi phí chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trên cơ sở tính toán thêm các khoản nợ còn treo của EVN, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán, đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các chỉ tiêu về GDP, CPI, PPI,… "Chúng tôi cũng xem xét đảm bảo hỗ trợ giá điện cho người nghèo, gia đình hộ chính sách, các hộ sử dụng điện dưới 50 kWh và 100 kWh, từ đó quyết định điều chỉnh giá bán điện bình quân và các mức cho từng khách hàng”, ông Tuấn nói.
Khách mời Tọa đàm “Điều chỉnh giá điện - Nhìn từ nhiều phía”
|
Tại buổi tọa đàm, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN cũng giải thích thêm về việc tăng giá điện. Trong bối cảnh nguồn cung cấp điện cho EVN ngày càng khó khăn, khi nguồn nước cho thủy điện ngày càng thấp, chi phí phát điện từ nhiệt điện than, nhiệt điện khí và điện chạy dầu đang tăng cao.
Cụ thể theo ông Tri, do điều kiện sản xuất than càng ngày càng khó khăn, giá thành sản xuất than cũng tăng nên giá than bán cho điện đã được điều chỉnh từ cuối năm 2018. Đầu tháng 1/2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty than Đông Bắc đã điều chỉnh giá than cho nhiệt điện lên 5%, điều này làm cho chi phí sản xuất điện tăng thêm trên 7.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lượng than trong nước hiện nay cũng không đủ để cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện, vì thế nên TKV đã phải nhập khẩu thêm 8 triệu tấn than để trộn với than trong nước. Chi phí nhập khẩu than nước ngoài cao nên cũng làm giá thành điện của EVN tăng thêm khoảng gần 2.000 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh điện của EVN.
“Tình hình nước về các hồ thủy điện trong mùa khô hạn những năm gần đây luôn ở mức thấp, EVN phải tăng huy động nguồn từ các nhà máy nhiệt điện; buộc phải phát thêm điện dầu với kế hoạch 2,1 tỷ kWh. Chi phí giá khí trước đây tính theo giá trong hợp đồng bao tiêu, giờ áp dụng theo cơ chế thị trường, mà giá thị trường biến động theo giá dầu trên thế giới. Theo tính toán sơ bộ, chênh lệch giá khí sẽ lên 6.000 tỷ đồng/năm… những thứ đó làm cho chi phí tăng vọt”, ông Tri cho biết.
Đồng cảm với các hộ tiêu thụ điện trước áp lực tăng giá, ông Đinh Quang Tri cho rằng: “Đúng là không ai muốn tăng giá điện, bản thân EVN cũng không muốn, nhưng đây là việc bắt buộc phải làm để bảo đảm cho các nhà máy sản xuất điện. EVN hiện cũng chỉ cung cấp 50% điện toàn hệ thống còn lại phải mua. Điều quan trọng nhất là việc tăng giá điện phải được đồng lòng để chúng ta có thể có đủ điện để đảm bảo phát triển kinh tế”, ông Tri bày tỏ.
Bỏ cơ chế bù chéo trong sử dụng điện
Tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như các loại năng lượng khác như xăng dầu,… nhưng để cân đối nền kinh tế một cách đa chiều thì cần thiết phải tăng.
Hơn nữa, lý do chính của việc tăng giá điện là để tiến dần đến kinh tế thị trường. Trước đây, giá nguyên liệu đầu vào còn có yếu tố bảo trợ của nhà nước, nhưng nay giá đầu vào không được bảo trợ.
Ông Lực cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện cũng như các mặt hàng khác trong năm nay phải tương đối cân nhắc để đảm bảo không dồn việc tăng giá nhiều trong một năm, sẽ dẫn đến bất ổn đối với nền kinh tế.
Điều đặc biệt mà nhiều người dân và doanh nghiệp cùng quan tâm đối với ngành Điện là giảm tổn thất điện năng. Ngành Điện thời gian qua đã có nhiều cải tiến và mức tổn thất đã giảm nhưng cần cố gắng hơn về chỉ tiêu này. Cùng với đó, cần xem lại cơ cấu cung cấp điện để có thể có một chiến lược phát triển hợp lý nhất về lâu dài, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Quan trọng hơn theo ông Lực, Chính phủ tiến tới cần bỏ cơ chế bù chéo đối với các hộ sử dụng điện. Vì hiện nay, các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ lượng điện năng lớn, chiếm đến 55% tỷ trọng điện như xi măng, sắt thép… lại đang được bù giá điện và chỉ phải chịu mức giá thấp nhất là 6,8 cent, trong khi giá bán điện cho sinh hoạt lại là 8,7 cent.
“Nhân cơ hội này phải sửa Luật Điện lực với việc bỏ cơ chế bù chéo. Hiện người tiêu dùng sử dụng điện sinh hoạt cũng như các doanh nghiệp dịch vụ đang phải bù một phần nào đó cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - như vậy là không công bằng. Khi có sự công bằng, người dân, doanh nghiệp sẽ đồng thuận và sẵn sàng trả giá điện hợp lý hơn”, ông Lực góp ý.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho rằng, đối với chi phí điện, nếu bản thân các doanh nghiệp không thay đổi thì sẽ giảm sức cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp phải đổi mới về mặt công nghệ, tăng cường sử dụng thiết bị tiết kiệm điện năng làm sao để tiết kiệm điện hơn.
“Rõ ràng, việc tăng giá điện đã tạo áp lực cho các doanh nghiệp phải đổi mới về mặt công nghệ cũng như dây chuyền sản xuất và trên hết đó là việc lập kế hoạch sản xuất hợp lý, tránh tổn hao về điện một cách cao nhất”, ông Long nêu quan điểm.