Công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung và những "bí kíp" riêng

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Công Giới - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện miền Trung (EVNCHP) về sự nỗ lực và những "bí kíp" riêng của đơn vị trong việc đưa Nhà máy Thủy điện A Lưới vào vận hành.

Ông Trương Công Giới

PV: Năm 2012, Nhà máy Thủy điện A Lưới được đưa vào vận hành hoà lưới điện quốc gia là một sự kiện nổi bật không chỉ đối với EVNCHP mà còn đối với cả ngành Điện miền Trung. Ông có thể khái quát quá trình đầu tư dự án này?

Công trình Thuỷ điện A Lưới được xây dựng trên sông A Sáp, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng công suất 170 MW gồm 2 tổ máy, điện lượng bình quân là 686,5 triệu kWh/năm, tổng mức đầu tư là 3.234 tỷ đồng, khởi công từ ngày 30/6/2007.

Công trình đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm, thêm vào đó là điều kiện khí hậu khắc nghiệt và giao thông không thuận lợi cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình… Nhưng sau 5 năm xây dựng, với sự nỗ lực của ban lãnh đạo Công ty, 2 tổ máy đã chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2012.

Có thể nói, để đảm bảo mục tiêu phát điện 2 tổ máy vào tháng 6/2012, ngay từ đầu năm 2012, lãnh đạo EVNCHP chỉ đạo điều hành quyết liệt, yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh tiến độ xây dựng các hạng mục nhà máy, đường hầm, khu tái định canh định cư (TĐC - ĐC)...

Bên cạnh đó, nhiều giải pháp đã được triển khai như: EVNCHP chủ động thanh toán trực tiếp chi phí cho các đối tác cung cấp vật tư thiết bị cho nhà thầu, trả lương trực tiếp cho kỹ sư công nhân lao động của nhà thầu, phát động chiến dịch thi đua 60 ngày đêm trên công trường Thủy điện A Lưới, áp dụng thưởng Phạt năng suất… Nhờ vậy, tiến độ xây dựng được đẩy nhanh.

PV: Một trong những vấn đề nan giải trong lĩnh vực đầu tư dự án thuỷ điện là công tác di dân, tái định định cư. EVNCHP đã thực hiện công tác này  thế nào, thưa ông?   

Song song với công tác đầu tư xây dựng là công tác di dân, TĐC. Chúng tôi xác định đây là một vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào và ổn định xã hội tại địa phương.

Để phục vụ công trình thủy điện, 192 hộ dân nằm trong lòng hồ  phải di dời, trong đó, 106 hộ TĐC tại khu tái định cư Thủy điện A Lưới và 86 hộ tái định cư tự do. Năm 2007, UBND Tỉnh đã phê duyệt chọn vị trí xây dựng khu TĐC  tại thôn Cân Tôm (xã Hồng Thượng) với diện tích đất quy hoạch là 210 ha. Đến nay, 106 hộ dân người Pa - Kô, Tà Ôi ở 2 xã Hồng Thái và Hồng Thượng đã an cư lạc nghiệp. Kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng kiên cố như: Cầu cống, đường giao thông đều được bê tông hóa thuận tiện cho việc đi lại của người dân. Điện thắp sáng, nước sạch đều về tận nhà dân. Trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố, 3 nhà sinh hoạt cộng đồng đã được xây dựng, tạo thuận lợi cho việc hội họp và sinh hoạt của nhân dân.

Không chỉ đầu tư về kết cấu hạ tầng,  vấn đề an sinh xã hội đã được Công ty quan tâm, như: Cung cấp lương thực cho đồng bào trong 6 tháng đầu khi về nơi ở mới với tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Diện tích đất quy hoạch TĐC  là 210 ha. Mỗi hộ dân được xây nhà có diện tích 75m2 và được cấp đất vườn 2.000 m2/hộ. Ngoài ra, mỗi hộ còn được cấp 5000 m2 đất canh tác hoa màu, trồng lúa nước và quỹ đất để làm nhà khi con cái lập gia đình tách hộ… Nhìn chung, đồng bào rất phấn khởi khi được an cư lạc nghiệp, đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

 Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, CBCNV Công ty đã trích một phần tiền lương ủng hộ quỹ tương trợ xã hội; đóng góp đượ 72 triệu đồng xây dựng công trình điện chiếu sáng nông thôn tại xã Hoà Khương (Hoà Vang – Đà Nẵng), ủng hộ phụ nữ và trẻ em nghèo; tặng 200 xuất quà cho các hộ dân khu TĐC  và các xã khó khăn vùng dự án với số tiền 40 triệu đồng nhân dịp Xuân Quý Tỵ ; xây dựng nhà tình nghĩa tại xã Hồng Hạ (huyện A Lưới), phụng dưỡng Mẹ VNAH...

Đặc biệt, để thúc đẩy mối quan hệ thân thiết gắn bó với nước bạn Lào anh em, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm việc với tỉnh Sê Kông (Lào) thống nhất xây  tặng nhân dân tỉnh Sê Kông một cây cầu trị giá 8 tỷ đồng, trong đó EVNCHP đóng góp 5 tỷ đồng. Công trình này đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

PV: Việc hoà lưới thành công 2 tổ máy đã mở ra một giai đoạn mới – giai đoạn sản xuất kinh doanh điện năng. Vậy, EVNCHP đã có bước chuẩn bị gì để phục vụ cho công tác này, thưa ông?

Song song công tác đầu tư, ngay từ đầu năm 2012, EVNCHP đã xúc tiến công tác chuẩn bị phục vụ sản xuất kinh doanh điện. Công ty đã tuyển dụng và gửi lực lượng vận hành Nhà máy gồm các kỹ sư và công nhân đi đào tạo tại các nhà máy thủy điện Đại Ninh, A Vương,  Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung... Do vậy, khi đi vào vận hành, đội ngũ công nhân kỹ sư không bị bỡ ngỡ mà rất tự tin,vận hành an toàn các tổ máy, vươn lên làm chủ công nghệ và trang thiết bị.

Mặt khác, EVNCHP đã chủ động, nhanh chóng triển khai đồng bộ các công tác sản xuất kinh doanh. Đến nay, Nhà máy vận hành an toàn, ổn định và đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia 285 triệu kWh điện, doanh thu đạt 256,8 tỷ đồng.

Để chuẩn bị tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, EVNCHP đã thành lập tổ thị trường điện, ban hành quy trình, đầu tư hạ tầng thông tin, tổ chức khóa học vận hành thị trường điện cạnh tranh, tham gia khóa đào tạo nâng cao về thị trường điện do Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương tổ chức và cử cán bộ học tập thực tế tại các nhà máy Thủy điện Buôn Kuốp, Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, Đa Dâng 2.

Ngoài ra, EVNCHP còn phối hợp với tư vấn tiến hành thẩm định dự án CDM (Clean Development Mechanism) – cơ chế phát triển sạch cho nhà máy Thuỷ điện A Lưới. Dự án được Chính phủ Thụy Điển cấp thư phê duyệt vào 8/10/2012 và trình lên Ủy ban Điều hành quốc tế (EB quốc tế) vào 16/11/2012. EB quốc tế xác nhận hồ sơ dự án được xem xét từ 11/12/2012. Nếu dự án đăng ký thành công thì sản lượng CERs hàng năm của Nhà máy sẽ mang lại cho Công ty thêm một nguồn thu không nhỏ. Vào thời điểm này, với công suất của Nhà máy Thuỷ điện A Lưới 170 MW, mỗi năm sẽ đem lại doanh thu khoảng 30 tỷ đồng.

PV: Ông có thể  tóm tắt mục tiêu trong năm mới 2013 của EVNCHP là gì?

Dự kiến sản lượng điện đạt trên 620 triệu kWh, doanh thu 530 tỷ đồng, lợi nhuận 70 tỷ đồng (chưa kể khoản thu từ việc bán CDM); hoàn thành công tác quyết toán với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng và tập trung sắp xếp lại lực lượng lao động cho phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Công ty.

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 04/02/2013 04:21
  • Ngọc Thạch
  • 6219


Gửi nhận xét