Một bên vui mừng đóng điện
Cuối năm 2012, Đoàn cán bộ nghiệm thu công trình của Công ty Điện Lực Quảng Nam phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quế Sơn cùng chủ đầu tư và các bên liên quan đã tiến hành nghiệm thu kỹ thuật và đóng điện xung kích đường dây và trạm biến áp thôn Cấm La. Sau đó, bộ phận kinh doanh của Điện lực Quế Sơn đã lần lượt kiểm tra công tơ và đường dây vào nhà dân, đảm bảo an toàn khi đóng điện cho từng hộ.
Công trình này được giao cho Điện lực Quế Sơn tiếp nhận quản lý vận hành và bán điện trực tiếp đến hộ dân. Anh Nguyễn Văn Thiện, Phó phòng phụ trách kinh doanh Điện lực Quế Sơn cho biết: “Vì nỗi mong chờ của người dân quá lâu nên ngay sau khi đóng điện xung kích, đơn vị đã nhanh chóng triển khai các nghiệp vụ cần thiết để cấp điện cho toàn bộ 47 hộ dân của thôn”.
Việc xây dựng công trình cấp điện cho thôn Cấm La là sự kiện chính trị xã hội quan trọng ở Cấm La, là một trong những địa danh đã từng nổi tiếng là miền rừng thiêng nước độc với tên gọi “Tý Sé Dùi Chiêng” của huyện miền núi Nông Sơn. Công trình điện này chắc chắn sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch dân cư, hỗ trợ phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống lâu dài nơi đây.
Dù thời tiết không thuận lợi, nhưng công nhân Điện lực Quế Sơn vẫn tranh thủ thời gian làm việc để các hộ dân thôn Cấm La sớm có điện
|
Một bên trụ điện vẫn “chống trời”
Từ Cấm La, chúng tôi lại vượt qua một nhánh sông Thu Bồn, để tới thôn Tý Lở. Ngược lại với nỗi vui mừng của người dân thôn Cấm La, người dân thôn Tý Lở như “đóng băng” trong nỗi buồn. Nhiều người dân cùng chung tâm trạng: “Không buồn sao được khi Tý Lở và Tý Bồi cùng một thôn tách ra mà Tý Bồi đã có điện từ hơn chục năm trước. Mới đây, 2 công trình về Tý Lở và Cấm La cùng thi công một lần vào năm ngoái, nhưng chỉ có Cấm La được đóng điện, còn thôn Tý Lở này, trụ điện vẫn đứng chống trời”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho biết, dù lãnh đạo Tỉnh, Huyện và ngành Điện đã hết sức nỗ lực đầu tư cấp điện cho xã, song do địa hình nơi đây phức tạp, đồi núi và sông suối chia cắt, các cụm dân cư thôn Tý Lở và Cấm La đều ở khá xa so với nguồn điện nên đành chịu cảnh không có điện.
Tháng 10/2010, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định đầu tư xây dựng công trình cấp điện cho hai thôn này bằng nguồn vốn ngân sách theo cơ chế, chính sách đối với các huyện miền núi của 6 tỉnh giáp Tây Nguyên, tổng mức đầu tư 4,721 tỷ đồng, gồm 2 TBA phụ tải và 106 công tơ đo đếm điện. Lưới điện trung áp về thôn Cấm La dài 2,4 km, về thôn Tý Lở 1,764 km.
Khỏi phải nói, khi khởi công 2 công trình này, người dân 2 thôn vui mừng biết mấy! Họ mong mỏi ngày đêm được có điện để cuộc sống dễ chịu như các thôn bên cạnh. Tuy nhiên, theo lời chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt - một người dân ở thôn Tý Lở, thì “Ngày vui chẳng tày gang bởi việc triển khai công trình kéo dài gần 2 năm, vượt quá mức trông đợi của người dân.
Bởi lẽ, khi thực hiện công trình điện thôn Tý Lở chỉ có 1 hộ dân ông Lê B. không đồng ý với phương thức đền bù khi công trình băng qua vườn cây nhà mình nên địa phương phải tổ chức nhiều cuộc họp thương thảo, hòa giải song sự việc vẫn dậm chân tại chỗ, trụ điện đã dựng lên không lắp được xà, không kéo được dây. Thế là công trình điện Tý Lở vẫn trụ chống trời, dù chỉ có 1,7 km và đã qua 2 năm triển khai.
Chia tay với người dân thôn Cấm La và Tý Lở, chúng tôi ra về với một tâm trạng vui buồn lẫn lộn. Hy vọng đến Tết Quý Tỵ này, người dân thôn Tý Lở sẽ có điện dùng như lời ông Nguyễn Tiến Đông, cán bộ của Ban quản lý Dự án công nghiệp tỉnh Quảng Nam, là người trực tiếp theo dõi Dự án này đã trao đổi với chúng tôi: “Ban quản lý đang tích cực phối hợp với UBND huyện Nông Sơn nhiều lần vận động, thương thảo để hỗ trợ hộ ông Lê B. Rất mong các ngành của huyện Nông Sơn và UBND xã Quế Lâm tích cực vận động để sớm triển khai các công việc của Dự án với mong muốn được đóng điện phục vụ người dân trước Tết nguyên đán để góp phần cho nhân dân vui Tết, đón Xuân”.