Mường Khương thắm nghĩa tình người dân - thợ điện

Tình cảm nồng hậu của ông Phó chủ tịch huyện và những người dân địa phương dành cho cán bộ, công nhân viên Điện lực đã trở thành ấn tượng sâu sắc nhất trong chuyến công tác tại Lào Cai của nhóm phóng viên chúng tôi.

Mường Khương mùa này chìm trong sương mù và giá rét. Chẳng thế mà ông Đỗ Xuân Thủy - Phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Điện lực Mường Khương kể: “Lắm hôm sương núi dầy đến nỗi thợ điện sửa chữa sự cố phải dùng đất bùn trát lên đèn pha xe máy tạo ánh sáng vàng mới soi đường mà đi được”.

Ông Thủy cho biết, ở vùng đất biên cương xa xôi này, Điện lực thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiều hơn kinh doanh bởi đời sống của người dân còn rất khó khăn: “Khách hàng hầu hết là sử dụng điện sinh hoạt, nhiều nhà chỉ dùng 4 - 5 số điện/tháng, hóa đơn chưa đến 10 ngàn đồng”. Tỷ lệ hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ giá điện của Chính phủ trong phạm vi quản lý của Điện lực chiếm khoảng 20% số khách hàng toàn huyện.

Ông Thủy còn cho biết thêm, cách đây 16 năm, cả huyện Mường Khương mới có duy nhất một trạm thủy điện nhỏ, công suất 3 MW, chỉ đủ phục vụ cho phần lớn khách hàng là cán bộ, công nhân viên sinh sống và làm việc ở khu vực trung tâm huyện (khi ấy là xã Mường Khương chứ chưa phải thị trấn như bây giờ). Chính ông Thủy “gốc” là cán bộ của Trạm điện nước, đến năm 1997, khi điện lưới lên đến biên cương thì ông mới chuyển sang ngành Điện.

Thợ điện ở Mường Khương, Lào Cai  sửa chữa lưới điện đảm bảo cấp điện cho người dân - Ảnh: M.N

Điện lực Mường Khương

- Là đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty Điện lực Lào Cai, thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc

- Hiện quản lý: 185,6 km đường dây 35 kV; 165,5 km đường dây 0,4 kV; 86 trạm biến áp phân phối

- Số khách hàng: 8.568

- Doanh thu hằng tháng: Khoảng 1,2 tỷ đồng

- Chỉ số tổn thất điện năng: 8%

- Tổng số CBCNV: 30 người

Để ghi nhận khách quan những đóng góp của “nguồn sáng văn minh” trên huyện vùng cao biên giới này, chúng tôi đường đột ghé thăm ông Phó chủ tịch huyện Mường Khương - Phạm Bá Uyên. Dù đang bận công việc, nhưng ông Phó chủ tịch niềm nở cho phép chúng tôi “chen ngang” vào lịch làm việc bằng một cuộc trao đổi nhanh.

Ông Uyên cho biết, sau 16 năm, Mường Khương - một trong những huyện nghèo nhất cả nước - đã có điện lưới đến trung tâm của 15 xã và “phủ sóng” khoảng 68% số dân trong huyện. Dù hiện nay còn 46 thôn chưa có điện, nhưng “Huyện đã có kế hoạch đến năm 2015, 100% người dân sẽ có điện dùng” - ông Phó chủ tịch thông báo tin vui.

Ông Phạm Bá Uyên không ngần ngại chia sẻ, mỗi năm Mường Khương được đầu tư trung bình 170 – 180 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Huyện dành 80-90% số vốn này đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó “điện - đường - trường - trạm” luôn được ưu tiên trước nhất.

“Mường Khương đang từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn. Huyện xác định mũi nhọn kinh tế là phát triển nông lâm nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Vì vậy, điện là yếu tố không thể thiếu được, ví dụ đơn giản như có điện thì mới sử dụng được máy móc vào sản xuất, chế biến và bảo quản thực  phẩm,…” – ông phân tích thêm.

Tiễn chúng tôi ra về, ông Phạm Bá Uyên vừa siết chặt tay nồng nhiệt, vừa nhấn mạnh: Từ khi có điện lưới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân Mường Khương đã tốt lên rõ rệt vì họ có điều kiện nghe đài, xem truyền hình, tiếp xúc với kiến thức khoa học nhiều hơn, học tập được nhiều cách làm kinh tế mới. Ông kết luận: “Đó chính là đóng góp lớn lao nhất và cũng rất nhân văn của ngành Điện nói chung và Điện lực Mường Khương nói riêng”.

Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai

- Là huyện miền núi cao, cách trung tâm TP Lào Cai 50 km về phía Đông Bắc

- Có 1 thị trấn và 15 xã

- Diện tích trên 556 km2

- Đường biên giới giáp Trung Quốc dài trên 86km, phần lớn là đất liền

- Gồm 14 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm gần 42%

- Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp

 


  • 01/02/2013 09:36
  • Hoàng Tuyết - Minh Nhật
  • 4437


Gửi nhận xét