Ông Trần Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Điện lực Hải Phòng cho biết: Công ty vừa có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) về việc nợ đọng tiền điện kéo dài, mất khả năng thanh toán của 2 doanh nghiệp trên đóng tại huyện An Dương, thành phố Hải Phòng.
Theo đó, tính đến ngày 31/3/2012, Công ty cổ phần thép Vạn Lợi đã nợ Công ty Điện lực Hải Phòng tổng số tiền trên 14,986 tỷ đồng (trong đó số tiền điện nợ đọng là 12,990 tỷ đồng và tiền phạt do chậm trả là 1,996 tỷ đồng). Công ty cổ phần khí Vạn Lợi đang nợ Công ty Điện lực Hải Phòng là hơn 3,178 tỷ đồng. Công ty Điện lực Hải Phòng đã nhiều lần làm việc, yêu cầu 2 khách hàng trên thanh toán số nợ trên, nhưng đến nay vẫn không thanh toán, mặc dù Công ty Điện lực Hải Phòng đã áp dụng biện pháp ngừng cấp điện.
Công ty cổ phần thép Vạn Lợi hiện đang nợ tiền điện gần 15 tỷ đồng
|
Được biết, Công ty cổ phần Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) ngoài nợ tiền điện của Công ty Điện lực Hải Phòng hiện đang nợ 6 tổ chức tín dụng hơn 1.000 tỉ đồng và nợ tiền bảo hiểm xã hội 7 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đang đứng trước bờ vực phá sản.
Theo ông Trần Ngọc Quỳnh, tại Khoản 6, Điều 23 của Luật Điện lực, quy định: Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và đã được bên bán điện thông báo 3 lần thì sau 15 ngày, kể từ ngày thông báo đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện”. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác thu nộp tiền điện, đặc biệt đối với khách hàng sử dụng sản lượng điện lớn cho sản xuất công nghiệp, đề nghị các cơ quan liên quan sửa đổi bổ sung Luật Điện lực trong đó có việc điều chỉnh giảm số ngày từ khi thông báo tiền điện đến khi thực hiện ngừng cấp điện đối với bên mua điện có hành vi vi phạm việc thanh toán tiền điện.
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Quỳnh cũng đề nghị bổ sung thêm quy định về việc khách hàng sử dụng điện lớn phải chuyển trả cho bên bán điện một khoản tiền đặt cọc nhất định hoặc có thư bảo lãnh của Ngân hàng với doanh nghiệp về việc đảm bảo thanh toán tiền điện. Giá trị tiền đặt cọc hoặc thư bảo lãnh tương đương với số tiền điện của 1 kỳ ghi chỉ số công tơ. Bởi vì, quy định hiện nay, khi các doanh nghiệp sản xuất lớn ghi chỉ số 3 kỳ/tháng nợ tiền điện của kỳ ghi chỉ số trước nhưng bên bán điện chỉ có thể thực hiện ngừng cấp điện sau 15 ngày thì sẽ phát sinh thêm số nợ tiền điện của kỳ ghi chỉ số tiếp theo.