Trong hai ngày 17 và 18/5/2011, đoàn chuyên gia ngành Năng lượng Liên Xô (cũ), nay là Liên bang Nga đã từng làm việc ở Việt Nam đã có dịp trở lại những công trình điện nơi trước đây họ đã sống và làm việc. Trước đó, chiều ngày 16/5, đoàn cũng đã có buổi thăm và làm việc tại cơ quan Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Từ Thuỷ điện Hoà Bình...
Sau khi đến đặt hoa tại tượng đài Bác Hồ và thắp hương tại đài tưởng niệm liệt sĩ Việt – Nga, những người đã hiến trọn đời mình cho công trình Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình (NMTĐ Hoà Bình), đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo và gặp gỡ các cựu chuyên gia của Thuỷ điện Hoà Bình. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các chuyên gia Liên Xô (cũ), những người đã không ngại khó khăn gian khổ, lao động quên mình để hôm nay nhân dân Việt Nam có được một công trình thuỷ điện to lớn, hiệu quả, góp phần vào việc xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Pazdeiev Anatoly – Trưởng đoàn chuyên gia ngành Năng lượng Nga đã đánh giá cao nỗ lực của các thế hệ CBCNV của NMTĐ Hoà Bình, những người đã quyết tâm phấn đấu vươn lên làm chủ thiết bị, làm chủ công trình, khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia Liên Xô (cũ). Những cán bộ, kỹ sư Việt Nam đã cùng tham gia khởi động thành công tổ máy số 1 vào cuối năm 1988 và các tổ máy tiếp theo. Cho đến tháng 4/1994, sau khi tổ máy cuối cùng đưa vào vận hành, các chuyên gia Nga lần lượt rút về nước thì đội ngũ CBNC Việt Nam đã hoàn toàn có đủ năng lực quản lý, vận hành và sửa chữa thiết bị, công trình, đảm bảo cho Nhà máy sản xuất ổn định, an toàn và hiệu quả.
Tất cả những chuyên gia Nga, mỗi người một cảm xúc, một tâm trạng, cảm xúc của họ ùa về bởi những hình ảnh vừa thân quen, vừa mới lạ. Bà Badureva Lưudmina Alechxangdrovna chia sẻ: “Tôi đã từng tham gia nghiên cứu, chỉ đạo việc thực hiện các dự án cung cấp thiết bị điện cho các nhà máy điện ở nước ngoài, trong đó có Thuỷ điện Hoà Bình. Tôi cũng đã từng đến Nhà máy để giám sát việc lắp đặt và đưa các thiết bị đó vào vận hành. Giờ đây, mỗi lần được đến với NMTĐ Hoà Bình, tôi cảm giác mình đã để lại một phần trái tim nơi đây”.
|
Các chuyên gia Nga thăm Nhà Truyền thống của EVN |
…Đến Nhiệt điện Phả Lại, Uông Bí
Trong đoàn còn có những chuyên gia trong lĩnh vực nhiệt điện, đó là những kỹ sư đã từng có thời gian làm việc tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh). Suốt cả chặng đường từ Công ty Nhiệt điện Phả Lại đến Công ty Nhiệt điện Uông Bí, ông Ivasenko không giấu nổi vẻ mặt bồn chồn, hồi hộp mong đợi được gặp lại những người bạn cũ, những đồng nghiệp và cũng là những “học trò” của mình trong thời gian ông làm việc tại đây. Ông nói: “Tôi không nghĩ có ngày tôi trở lại Việt Nam, được thăm nơi trước đây mình đã từng có thời gian công tác. Việc đó ngoài sự mong đợi và hình dung của tôi”.
Sau khi nghe Giám đốc Công ty Nhiệt điện Uông Bí giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Công ty, đoàn đã thăm quan khu nhà máy 110 MW do Liên Xô (cũ) khảo sát, thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt, với 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 55 MW. Đứng gần tổ máy 1 trong khu nhà máy 110 MW, ông Sulaev Vasili Anatolevich kể lại một kỷ niệm khó quên khi tham gia công tác tại đây: “Trong một đêm năm 1982, một chiếc van an toàn phao hơi của một trong số lò hơi bị kẹt, không đóng được, hơi thoát ra ngoài làm cho áp suất trong lò giảm, tuabin giảm công suất. Đây là sự cố chưa từng xảy ra, nếu không giải quyết nhanh chóng, kịp thời thì hậu quả sẽ không lường hết. Mọi người rất lo sợ, hốt hoảng. Nhận được tin, tôi cùng các đồng nghiệp Việt Nam cấp tốc đến hiện trường, không hiểu sao khi đó tôi lại xử lý tình huống một cách rất tự nhiên, một biện pháp rất hài hước. Đó là, tôi đã dùng toàn bộ sức nặng của cơ thể mình nhảy lên đè van supap xuống và cứ thế ghì chặt cho tới khi áp suất trong lò lên dần và trở lại bình thường. Sau khi giải quyết xong sự cố, chúng tôi không ai bảo ai mọi người ôm choàng lấy nhau cùng khóc, những giọt nước mắt của hạnh phúc, của tình bạn, tình đồng nghiệp và cả tình hữu nghị của hai nước Việt – Nga”.
|
Các chuyên gia thăm lại phòng điều khiển Nhiệt điện Phả Lại |
Tình bạn, tình đồng nghiệp và tình hữu nghị của những người làm ngành Điện càng được nhân lên gấp bội khi 3 chuyên gia ngành Năng lượng của Nga đã từng công tác tại Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí biết được họ là những khách mời danh dự của Công ty Nhiệt điện Uông Bí trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba - một phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng do những thành tích xuất sắc của Công ty, trong đó có những đóng góp của những người con hai dân tộc Việt – Nga.
Trước đó, đoàn cũng đã ghé thăm Công ty Nhiệt điện Phả Lại, nơi trước đây Liên Xô đã giúp đỡ khảo sát, thiết kế, cung cấp vật tư thiết bị, xây dựng và lắp đặt. Với toàn bộ dây chuyền 1, được khởi công xây dựng ngày 17/5/1980, với công suất lắp đặt là 440 MW, gồm 4 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 110 MW.
Thế hệ những người gắn bó với những công trình điện ở Việt Nam trong những năm chiến tranh và xây dựng đất nước sau cuộc chiến giờ đây đều đã lớn tuổi. Đến nay, các thế hệ người làm điện Nga và Việt Nam vẫn tiếp tục tiếp nối truyền thống, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Như lời Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh đã phát biểu trong buổi gặp gỡ đón tiếp và làm việc cùng các chuyên gia: “Trong những năm tháng khó khăn, Liên Xô đã đào tạo cho Việt Nam những thế hệ cán bộ, kỹ sư ngành Điện lực đầy năng lực. Hôm nay, Liên bang Nga vẫn đang tiếp tục đào tạo cán bộ, kỹ sư cho ngành Điện lực Việt Nam, nhiều sinh viên Việt Nam vẫn đang theo học tại Nga các ngành liên quan đến hệ thống điện, điện hạt nhân… Những công lao, đóng góp to lớn ấy sẽ mãi mãi đi cùng với những thành tích của ngành Điện Việt Nam. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh tốt đẹp của những người thầy, những người bạn Nga và văn hoá Nga như vẫn thấm đượm, đằm thắm trong mỗi con người Việt”…
Ông Vladimirov Vladimir Borisovich – Nguyên Kỹ sư trưởng Dự án Thuỷ điện Hoà Bình và Ialy:
“Tôi nhận thấy những công trình mình đã làm trước kia hiện đang được các thế hệ cán bộ, kỹ sư của Việt Nam bảo dưỡng rất tốt, đây là công lao của những người vận hành sản xuất. Tôi cũng đánh giá cao trình độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, kỹ sư của các nhà máy. Với tư cách là Kỹ sư trưởng, tôi rất hài lòng việc tiến hành đổi mới những thiết bị, công nghệ để hoàn thiện hệ thống của nhà máy”.
Ông Bùi Thức Khiết (Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 1988 – 1994):
“Tôi thường nhớ lại những bước đi chập chững của mình trong ngành Điện, những người thầy đầu tiên, đặc biệt là những chuyên gia Liên Xô (cũ). Đó là những người thông thái, nghiêm túc trong công việc, nhưng cũng là những người rất yêu đời, cởi mở. Họ đã trải qua những ngày tháng khó khăn ở trên công trường. Họ đã cho chúng tôi thấy hình ảnh sâu sắc về một nước Nga anh hùng và họ đã dạy chúng tôi những bài học thực tiễn sâu sắc".