Đại học Bách khoa Tomsk đào tạo nhân lực điện hạt nhân cho Việt Nam

Một trong những trường đại học kỹ thuật tốt nhất tại Liên bang Nga là Đại học Bách khoa Tomsk (TPU) sẽ bắt đầu đào tạo nhân lực cho nhà máy điện hạt nhân tương lai của Việt Nam bắt đầu từ  1/9/2012. Tại TPU đã thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng của Tập đoàn Rosatom và thanh niên Việt Nam sẽ là những sinh viên đầu tiên được đào tạo tại đây.

TPU là một trong những tổ chức hỗ trợ của Rosatom, cùng với Đại học Tổng hợp hạt nhân quốc gia MIFI, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Ural, Trường Đại học Năng lượng Matxcova. Mỗi trường đại học sẽ đào tạo nhân lực theo những ngành nhất định cần thiết cho hoạt động của nhà máy điện hạt nhân hiện đại.
 
Giáo sư Igor Shamanin - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng cho biết, sinh viên tốt nghiệp trường chúng tôi làm việc và hoạt động nghiên cứu theo chuyên ngành. Quá trình hình thành ngành Điện hạt nhân bắt đầu từ việc đào tạo các nhân viên có trình độ cao, không chỉ đơn giản là biết vận hành các cơ sở hạt nhân, mà phải hiểu được cặn kẽ các quá trình xảy ra trong các cơ sở ấy. Đó chính là vấn đề mà chúng tôi sẽ giải quyết.

TPU ngày hôm nay là trường đại học duy nhất trong lãnh thổ Liên Xô (trước đây) có lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động đào tạo sinh viên. Sinh viên của chúng tôi học cách khởi động lò phản ứng hạt nhân, đưa nó lên đến công suất hoạt động và kiểm soát tất cả các thông số cần thiết cho hoạt động an toàn của lò phản ứng.
Đại học Bách khoa Tomsk - Nơi đào tạo các kỹ sư cho Nhà máy Điện hạt nhân Việt Nam


Từ ngày 20 tháng 7 tới, các sinh viên tương lai của Trung tâm sẽ từ Việt Nam đến Đại học Bách khoa Tomsk. Danh sách này gồm các cử nhân lựa chọn từ những sinh viên tốt nghiệp của 7 trường đại học Việt Nam.

Sau đợt thi nghiêm túc ở Tomsk gồm các môn tiếng Anh, vật lý, toán học và các lĩnh vực kỹ thuật cơ bản sẽ chọn ra 10 sinh viên cho lớp thạc sĩ học hai năm bằng tiếng Anh được tổ chức tại Trung tâm. Sau khi tốt nghiệp khóa học tại Trung tâm, họ sẽ trở thành các chuyên gia, không chỉ có thể đối phó với bất kỳ nhiệm vụ nào trong hoạt động của lò phản ứng hạt nhân, mà còn có thể phát triển nhiên liệu hạt nhân mới, cải thiện phương thức hoạt động của lò phản ứng nhà máy và công nghệ bức xạ.
 
Ông Igor Shamanin nói: Sau khi tốt nghiệp, những chuyên gia này sẽ trở về Việt Nam và làm việc ở đó với tư cách là cố vấn Nga. Trong hai năm, các nhân viên Nga và Việt Nam cần phải tìm hiểu lẫn nhau để tạo ra một tập thể tương tự như phi hành đoàn trong tàu vũ trụ, cùng quản lý nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
 
Để vận hành một lò phản ứng hạt nhân cần có từ 700 đến 1.000 chuyên gia theo các lĩnh vực  khác nhau, do vậy trong thời gian tới, công tác tuyển sinh sẽ được tổ chức hàng năm.
 
Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu ứng dụng của Rosatom ở Trường Đại học bách khoa Tomsk sẽ còn rất nhiều công việc cần phải hoàn thành, bởi nhu cầu nhân lực điện hạt nhân Việt Nam giai đoạn sau 2020 là rất lớn.
 


  • 13/07/2012 08:43
  • Theo Năng lượng Việt Nam
  • 9970


Gửi nhận xét