Thư của các sinh viên tài năng EVN gửi từ nước Nga

Khi chúng ta đang náo nức đón một cái tết ấm cúng cùng người thân, gia đình, thì ở nơi phương trời xa xôi lạnh giá của nước Nga, có những người con đang mong ngóng trông về quê hương và chỉ mong được một ngày sum họp.  Chúng ta hãy cùng chia sẻ và cảm nhận lời tự sự của những sinh viên tài năng EVN đang tu nghiệp ở nước Nga - Những chủ nhân tương lai của ngành Điện.

Ngô Kim Huyền: Gia đình là nơi bình yên nhất

Tôi đã sống và học tập ở nước Nga 6 năm, cũng là chừng ấy thời gian đón Tết xa gia đình, người thân. Cứ mỗi lần Tết đến, tôi lại thấy phảng phất nỗi buồn man mác nhớ quê nhà.

Nhớ lắm, trong cái giá lạnh của mùa đông Hà Nội, tôi hớn hở theo bố đến vườn đào, vườn quất, nhớ mùi nồng nồng của tấm lá dong mẹ đang gói bánh chưng, nhớ lúc hân hoan cùng chị gái dọn dẹp nhà cửa đón chờ năm mới, nhớ mùi hương trầm thoang thoảng khắp nhà trong đêm Giao thừa dâng lễ cúng ông bà tổ tiên và nhớ nhất là cái sắc đỏ của… bao lì xì mừng tuổi. Đêm giao thừa năm nào cũng thế, tôi cùng chị gái đi hái lộc và hòa cùng dòng người đổ xô ra đường xem bắn pháo hoa mừng năm mới…

Năm thứ 6 đón Tết xa quê hương. Mấy đứa sinh viên chúng tôi lại tụ tập chuẩn bị đón Tết Việt ở xứ người. Tết ở đây cũng có đủ thứ không thua kém gì Tết ở Việt Nam. Trong mâm cỗ ngày Tết, thấp thoáng màu hồng nhạt của đào phai phương Bắc, màu vàng rực rỡ của hoa mai phương Nam. Dù toàn là hoa giấy, nhưng cũng làm nguôi đi phần nào nỗi nhớ quê nhà. Tuy nhiên, không ai bảo ai, chúng tôi đều cảm thấy buồn buồn vì thiếu một thứ mà không thể nào có được ở xứ sở Bạch dương này, đó là không khí đón Tết.

Có lẽ, những năm tháng sinh sống học tập ở xứ người đã giúp tôi có được những cảm xúc mới hơn về Tết cổ truyền Việt Nam, để trân trọng những giá trị truyền thống, để thấy rằng, gia đình luôn là chỗ dựa, là nơi bình yên nhất.

Nguyễn Thái Bình: Lại đón tết qua… điện thoại

Tết đến rồi, không biết giờ này bố mẹ và anh trai đang làm gì, nhà cửa trang trí thế nào rồi…?

Những lúc này, một cuộc gọi, một tin nhắn chúc mừng từ Việt Nam cũng đủ làm tôi cảm thấy ấm lòng trong cái giá lạnh của mùa đông nước Nga.

Tôi đã sang đây được 5 năm và cũng đón từng đấy cái Tết xa nhà. Mỗi khi Tết đến, mấy đứa sinh viên, dù không thể tránh được nỗi buồn, nỗi nhớ nhà cũng rục rịch chuẩn bị đón Tết, một cái Tết tràn ngập không khí Việt Nam trên đất nước Nga. Cũng có câu đối đỏ, có văn nghệ, bữa cơm Tất niên và đặc biệt là bánh chưng tự tay gói và luộc bằng những nguyên liệu gửi từ quê nhà. Những người bạn trẻ xa quê quây quần bên nhau thật ấm cúng và vui vẻ.

Một năm mới lại đến, xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến gia đình  và tất cả cán bộ công nhân viên ngành Điện ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

Lê Thanh Tùng: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình”…

Năm 2008, lần đầu tiên tôi đón Tết Nguyên đán ở nước Nga. Thời điểm ấy, chúng tôi mới sang và chỉ học tiếng Nga, mỗi ngày bắt đầu từ 3 giờ chiều đến 8 giờ tối. Ai cũng cảm thấy mình đang lạc vào một thế giới khác. Không gì “khủng khiếp” hơn việc bạn không thể hiểu nổi người khác nói gì mà họ cũng chẳng thể hiểu bạn nói gì. Lúc đó cũng đang là mùa đông, có khi nhiệt độ xuống dưới -100C, -200C, lạnh đến nỗi chúng tôi luôn ra đường với… cái chăn bông trên người. Rồi chuyện ăn uống chủ yếu với khoai tây và gà đông lạnh làm tôi càng nhớ Việt Nam.

Mọi thứ bắt đầu với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi đã được bạn bè Nga giúp đỡ rất nhiều. Đến bây giờ, dường như đất nước này cũng đã trở thành một phần trong tôi. Tôi có những người bạn tốt, được học tập trong một nền giáo dục tiên tiến, tự thấy mình mỗi ngày một lớn khôn thêm,...

Đến thời điểm này, tôi đã đi được nửa chặng đường học tập và sẽ cố gắng làm tốt phần còn lại để trở về và cống hiến cho ngành Điện, cho Việt Nam của tôi. Tôi rất tâm đắc với câu nói của người Nga: “Đi đâu cũng không bằng nhà mình.”

 

 


  • 24/01/2012 04:25
  • Theo TCĐL
  • 5053


Gửi nhận xét