Bà Phan Thị Hồng Hạnh, Phó Ban Tổ chức và Nhân sự EVN, hướng dẫn các thủ tục cam kết làm việc cho EVN cho các em sinh viên đi đào tạo điện hạt nhân tại Nga
|
Những lo ngại sẽ được giải đáp
Câu hỏi trên lập tức “đốt nóng” không khí cuộc gặp gỡ và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của các sinh viên khác. “Đến nay, chưa thấy có nước nào quy định về việc kỹ sư điện hạt nhân đã có con nối dòng thì mới được phép làm việc trong nhà máy”, ông Nguyễn Cường Lâm trả lời “chất vấn”.
Ông cũng “bật mí”: Những lo ngại của các em về nguy cơ nhiễm phóng xạ hoặc độ an toàn đối với sức khỏe kỹ sư vận hành trong nhà máy điện hạt nhân đều là những kiến thức căn bản sẽ được đề cập đầy đủ trong chương trình đào tạo tại Liên Bang Nga.
Một số sinh viên khác quan tâm đến cơ hội nghề nghiệp trong nước sau khi tốt nghiệp, hoặc mức lương khởi điểm nếu các em trở về “đầu quân” cho EVN... Ông Lâm chia sẻ: Các sinh viên trong diện được cử đi đào tạo tại Nga đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn cẩn thận đều lọt vào “tầm ngắm” của EVN, bởi Tập đoàn đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao cho điện hạt nhân, đặc biệt là khi thời điểm khởi công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đang cận kề. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT đã ký thỏa thuận hợp tác riêng với EVN về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân. Trong số các cơ quan có nhu cầu sử dụng nhân lực chuyên ngành điện hạt nhân, EVN là đơn vị duy nhất đã đến gặp gỡ để cung cấp thông tin cho các em biết về định hướng nghề nghiệp của mình sau khi tốt nghiệp.
Đối với sinh viên có cam kết làm việc cho EVN, các em sẽ được nhận hỗ trợ từ phía Tập đoàn như cấp bổ sung học bổng hàng tháng, được bố trí việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, được hưởng những ưu đãi riêng về lương, phụ cấp, phúc lợi xã hội cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử theo quy định của Nhà nước… Các em có thể tự hào là đội ngũ tiên phong trực tiếp tham gia xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.
Nguồn nhân lực cho tương lai
Được biết, 48 sinh viên được cử đi học đợt này đến từ 17 trường đại học trên toàn quốc. Hầu hết các em là sinh viên năm thứ 2, thứ 3 tại các trường đang theo học. Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đứng đầu danh sách với 12 em. Trường ĐH Điện lực cũng cử 5 đại diện đi đào tạo trong đợt này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Tổng sơ đồ 7), hai tổ máy đầu tiên của hai nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ phát điện chính thức từ năm 2020. Một số nhân lực chủ chốt về vận hành và bảo dưỡng nhà máy sẽ phải tham gia vào dự án ngay từ giai đoạn xây dựng (dự kiến bắt đầu từ năm 2015) và phải qua nhiều chương trình đào tạo lý thuyết và thực tế trước khi chính thức tham gia vận hành, bảo dưỡng nhà máy. Toàn bộ đội ngũ cán bộ tham gia vận hành, bảo dưỡng sẽ phải được đào tạo tại Trung tâm đào tạo của nhà máy ít nhất 2 năm trước khi tham gia vào giai đoạn chạy thử nghiệm hiệu chỉnh của nhà máy.
|
Trước đó, từ năm 2006 đến năm 2009, EVN đã cử 29 sinh viên đi đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân tại Nga theo chương trình đào tạo kỹ sư tài năng hàng năm của Tập đoàn.
Nhu cầu nguồn nhân lực để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên từ nay đến 2020 khá lớn, bao gồm: Nguồn nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cho cơ quan quản lý an toàn bức xạ hạt nhân nói riêng; nhân lực cho quản lý, giám sát và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; nhân lực nghiên cứu và triển khai và hỗ trợ kỹ thuật; giáo dục và đào tạo; nguồn nhân lực cho vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân (chiếm tỉ lệ cao nhất)...
Các sinh viên sẽ học tập tại trường ĐH Nghiên cứu hạt nhân quốc gia MIFI, Liên Bang Nga, theo học ngành: Thiết kế, xây dựng và vận hành Nhà máy điện nguyên tử. Lưu học sinh Việt Nam trong diện đào tạo này được miễn hoàn toàn học phí. Hàng tháng, mỗi em được Chính phủ Nga cấp học bổng là 1.100 Rúp. Chính phủ Việt Nam cấp 420 USD và phần học bổng bổ sung của EVN đối với những em cam kết sẽ về làm việc cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.