Đào tạo nhân lực phục vụ VCGM: Cần một chiến lược đồng bộ, dài hạn

Sau hơn 1 năm chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM), nhân lực phục vụ giám sát và vận hành đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, để có đội ngũ đủ kinh nghiệm, trình độ đảm bảo vận hành thị trường điện một cách hiệu quả và đồng bộ trong tương lai, cần có một chiến lược dài hạn.

Khoảng 300 cán bộ

Đào tạo nhân lực phục vụ giám sát và vận hành thị trường điện là một trong 4 nhiệm vụ chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ông Trần Đăng Khoa – Trưởng ban Thị trường điện EVN cho biết: Từ trước khi thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh, EVN đã phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực (ERAV) – Bộ Công Thương tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn trong và ngoài nước cho các cán bộ tại các nhà máy điện, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia… Theo đó, khoảng 300 cán bộ trong và ngoài EVN đã được tập huấn tại các trường đào tạo của EVN ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nội dung tập huấn tập trung vào các vấn đề cơ bản về thị trường điện, các thông tư và quy trình, quy định vận hành thị trường điện, chiến lược chào giá và kỹ năng tham gia thị trường…

Là đơn vị trực tiếp vận hành hệ thống điện và thị trường điện, EVN cũng ưu tiên đào tạo nhân lực vận hành và giám sát cho Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Các khóa đào tạo theo dự án sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới tại các nước như New Zealand, Singapore, Hàn Quốc và mời các chuyên gia của Brazil về giảng dạy tại Việt Nam. Đồng thời, A0 cũng chủ động và tích cực chuẩn bị nhân lực phục vụ vận hành thị trường điện, tập dượt các kỹ năng, thao tác trong quá trình tính toán, chào giá bán điện ra thị trường.

Thị trường điện là một lĩnh vực hoạt động còn khá mới lạ đối với các đơn vị trực tiếp tham gia trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn nhân lực khi tham gia thị trường là rất cần thiết. Ông Đỗ Minh Lộc – Phó tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) cho rằng: “DHD đã tuyển chọn, đào tạo một đội ngũ nhân lực chuyên trách tham gia học tập, tìm hiểu về thị trường điện ngay từ những ngày đầu khi thị trường còn đang ở giai đoạn thử nghiệm”.

Đào tạo nhân lực vận hành TTĐ cần 1 chiến lược lâu dài và đồng bộ. Ảnh: PV

Nguồn lực này được tuyển chọn từ các trưởng ca giỏi đang vận hành tại các nhà máy điện của Công ty, có khả năng thu thập, phân tích hệ thống, am hiểu các quy định của thị trường. Đồng thời, DHD cũng thường xuyên tạo điều kiện để đội ngũ CBCN tham gia thị trường được học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị khác, nhằm nâng cao trình độ, chủ động khai thác tối đa những lợi thế của mình.

Gần đây nhất, vào cuối tháng 3/2013 sau khi Thông tư 03/2013/TT-BCT quy định vận hành thị trường phát điện cạnh tranh của Bộ Công Thương được ban hành, EVN lại tiếp tục đào tạo cho các cán bộ nhằm bổ sung và nâng cao kiến thức về thị trường điện. Ông Trần Đăng Khoa khẳng định: “Với sự chuẩn bị tích cực, sau hơn 1 năm thị trường điện vận hành chính thức, các ca kíp được bố trí hợp lý, nhân lực đảm bảo vận hành thị trường liên tục, không xảy ra sự cố bất ngờ”.

Cần một chiến lược đồng bộ, dài hạn

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho thị trường điện được vận hành an toàn, tin cậy nhằm cung cấp đủ điện để phát triển kinh tế, tăng tính minh bạch trong huy động nguồn, giá điện.

Tuy nhiên, hiện nay, các quy định về vận hành thị trường phát điện cạnh tranh mới chỉ tập trung vào giá chào của các tổ máy phát điện, trách nhiệm của các nhà máy khi tham gia thị trường, công bố thông tin vận hành… Trong khi đó, chưa có một văn bản cụ thể nào quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận điều hành, giao dịch thị trường điện.

Vì vậy, để có thể đảm bảo cho thị trường điện phát triển đồng bộ sau năm 2020, theo ông Nguyễn Xuân Khu – Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, nhân lực trong công tác vận hành thị trường điện tại các đơn vị cần không ngừng được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng. Đồng thời, cần có chiến lược đào tạo dài hạn để đảm bảo nguồn nhân lực đủ mạnh, có nhiều kinh nghiệm, làm chủ hoàn toàn thiết bị, máy móc để thị trường được vận hành ổn định, liên tục. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xây dựng và ban hành quy chế rõ ràng, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, như bộ phận vận hành, chào giá… đáp ứng các yêu cầu của thị trường phát điện cạnh tranh.
 

Một số khóa đào tạo nhân lực phục vụ giám sát và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh đã được tổ chức:

- Khóa 1 (từ ngày 23 – 27/5/2011): tại Trường Đại học Điện lực cho các đơn vị khu vực phía Bắc.
- Khóa 2 (từ ngày 6 – 10/6/2011): tại Trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Quảng Nam) cho các đơn vị miền Trung.
- Khóa 3 (từ ngày 13 – 17/6/2011): tại Trường Cao đẳng Điện lực TP HCM cho các đơn vị khu vực phía Nam

 


  • 12/08/2013 10:54
  • Theo TCĐL Chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 11089


Gửi nhận xét