Đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân: Vừa dạy, vừa... khích lệ

Làm thế nào để thu hút được sinh viên vào chuyên ngành Điện hạt nhân, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng nguồn nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam? Ông Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường, thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐH BKHN) trao đổi về vấn đề này.

ông Trần Kim Tuấn

PV: Là một trong những trường đào tạo kĩ sư chuyên ngành Điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, xin ông cho biết, Nhà trường đã gặp phải  những khó khăn gì?

Ông Trần Kim Tuấn: Trường ĐH BKHN bắt đầu đào tạo ngành kỹ thuật hạt nhân từ năm 1970, gồm năng lượng (tạo ra điện từ điện hạt nhân) và phi năng lượng (ứng dụng đồng vị phóng xạ). Lúc đó, Việt Nam mới bắt đầu “nhen nhóm” dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân nên việc đào tạo còn rất hạn chế, thiếu phương tiện, thiết bị giảng dạy. Sinh viên ra trường phần lớn làm công tác nghiên cứu hoặc làm trái ngành, trái nghề.

Đến năm 1986, vụ tai nạn được coi là trầm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân đã xảy ra tại Nhà máy Điện nguyên tử Chernobyl (Liên Xô cũ). Các nước sử dụng năng lượng hạt nhân đã phải đối mặt với làn sóng phản đối gay gắt. Vì vậy, việc phát triển điện hạt nhân trên thế giới cũng như đào tạo điện hạt nhân tại Việt Nam bị chững lại và không có cơ hội phát triển. Ngành Kỹ thuật hạt nhân của Trường ĐH BKHN chỉ đào tạo ứng dụng đồng vị phóng xạ, số lượng sinh viên rất hạn chế.

Đến năm 2000, ứng dụng hạt nhân trong lĩnh vực y tế, công nghiệp bắt đầu phát triển, ngành Kỹ thuật hạt nhân vì thế cũng bắt đầu được hồi phục. Đặc biệt, từ sau khi Chính phủ có chủ trương xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành Kỹ thuật hạt nhân bắt đầu được chú trọng với việc mở rộng thêm chuyên ngành điện hạt nhân tại trường đại học và trung tâm đào tạo trong cả nước.

PV: Vậy, giải pháp khắc phục những khó khăn trên là gì, thưa ông?

Ông Trần Kim Tuấn: Điện hạt nhân là ngành còn khá mới tại Việt Nam. Là một trong những cơ sở đầu tiên đào tạo về điện hạt nhân, Trường ĐH BKHN đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan trong nước, coi đây là nguồn cung cấp nhân lực quan trọng về điện hạt nhân cho Việt Nam.

Đối với các tổ chức nước ngoài, Viện và Nhà trường cũng thường xuyên trao đổi, giao lưu, mời các chuyên gia sang giảng dạy. Hàng năm, ngoài việc trực tiếp tham gia giảng dạy một số môn trong chương trình đào tạo của trường, các công ty Nhật Bản còn tổ chức cho sinh viên của Nhà trường sang thăm quan, tìm hiểu các nhà máy điện hạt nhân và dành khoảng 20 suất học bổng cho sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân.

Đối với các khoa, bộ môn khác trong Trường, sinh viên đông nhưng số lượng học bổng thấp. Trong khi đó, tại Viện Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Môi trường, tuy số lượng sinh viên mỗi khóa chỉ khoảng 20 – 50 người, nhưng lại có đến 20 suất học bổng quốc tế, cộng thêm các suất học bổng của Nhà trường. Đây là nguồn động viên rất lớn đối với sinh viên yêu mến ngành Điện hạt nhân, đặc biệt là sinh viên khá và giỏi, nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực điện hạt nhân tại Việt Nam. Đặc biệt, đối với một nước mới phát triển điện hạt nhân như Việt Nam, khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực là điều không thể tránh khỏi. Ngoài ra, Viện còn hợp tác với các trường đại học của nhiều nước có nền kĩ thuật hạt nhân phát triển như Pháp, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... Với những sự hỗ trợ, giúp đỡ đó, số lượng sinh viên đăng ký học ngày càng nhiều, việc đào tạo cũng ngày càng thuận lợi hơn.

Thu hút nguồn nhân lực cho vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Lam

PV: Hiện nay, một số cơ sở đào tạo điện hạt nhân đang gặp khó khăn trong việc thu hút sinh viên. Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

Ông Trần Kim Tuấn: Khi thi tuyển sinh viên đầu vào, Trường ĐH BKHN tuyển sinh theo 7 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành về Kỹ thuật Hạt nhân và Vật lý Kỹ thuật thuộc nhóm ngành 5. Cuối năm thứ nhất, Nhà trường bắt đầu phân ngành. Nếu như trước kia, ngành Vật lý Kỹ thuật và Kỹ thuật Hạt nhân thường là sự lựa chọn cuối cùng, khi các em sinh viên trượt các chuyên ngành “hot” thì hiện nay số sinh viên đăng ký học ngành Kỹ thuật Hạt nhân đã ngày một tăng cao, vượt qua số dự kiến. Các em học sinh đã ý thức được tương lai của mình nên có sự tìm hiểu kỹ về ngành nghề. Vì vậy, các trường đại học đào tạo chuyên ngành về điện hạt nhân cần tăng cường thông tin, tuyên truyền cho các em học sinh hiểu rõ hơn về ngành nghề, cùng với những kiến thức, chế độ ưu đãi khi theo học. Đặc biệt là vấn đề an toàn – vấn đề quan trọng nhất khi tham gia học tập và làm việc trong ngành Điện hạt nhân.

Theo quyết định của Chính phủ, Việt Nam mới chỉ có 6 trường đại học và 1 trung tâm được phép đào tạo chuyên ngành điện hạt nhân. Có thể nói, "xã hội hạt nhân" rất nhỏ bé, sinh viên giữa các khóa, các trường nên có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Do đó, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các trường đại học cũng cần phải động viên, khích lệ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên theo học. Có như vậy, mới có thể thu hút được đông đảo sinh viên thi vào chuyên ngành Điện hạt nhân.

PV: Nhu cầu nhân lực cho 2 nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam là rất lớn. Theo ông, có cách nào đào tạo nguồn nhân lực này đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng phục vụ tốt công tác vận hành các nhà máy điện hạt nhân?

Ông Trần Kim Tuấn: Mỗi năm có một khóa sinh viên chuyên ngành điện hạt nhân ra trường, song chưa có cơ hội được làm việc đúng chuyên môn hoặc chưa có sự phân công, đón nhận của các cơ quan, tổ chức. Vì vậy, nhiều sinh viên đã chuyển nghề, gây ra sự lãng phí nguồn nhân lực. Trong khi đó, số lượng các kỹ sư mà 2 nhà máy điện hạt nhân cần khi được đưa vào vận hành và các chuyên gia làm việc ở các viện, trung tâm nghiên cứu là rất lớn.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT, Bộ KHCN, Bộ Công Thương và EVN cũng như các cơ quan hữu quan cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tạo việc làm và đào tạo chuyên sâu, nuôi dưỡng, giữ chân sinh viên. Đồng thời, các chủ trương, chính sách ưu đãi dành cho sinh viên và những người làm việc trong lĩnh vực điện nguyên tử cũng cần sớm được công bố rộng rãi, nhằm thu hút nhân tài/

PV: Xin cảm ơn ông!

 


  • 25/06/2013 04:24
  • Theo TCĐL chuyên đề Quản lý và Hội nhập
  • 4546


Gửi nhận xét