Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long |
PV: Ông đánh giá như thế nào về trình độ, chất lượng nguồn nhân lực hiện nay của EVN?
GS.VS Trần Đình Long: Nhìn chung, mỗi giai đoạn phát triển, về cơ bản nguồn nhân lực của EVN đã đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh, vận hành hệ thống điện. Cụ thể, với những mốc quan trọng như lần đầu tiên đưa công nghệ truyền tải siêu cao áp 500 kV vào Việt Nam; khi ứng dụng công nghệ SCADA /EMS vào hệ thống điện; gần đây là xây dựng hạ tầng đo đếm thông minh phục vụ kinh doanh điện năng hay trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực…, EVN đều đã có sự chuẩn bị kĩ về nguồn nhân lực, làm chủ các công nghệ mới.
Tuy nhiên, để đón đầu, đuổi kịp những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là xây dựng một tập đoàn kinh tế hiện đại trong thời kì cách mạng 4.0, EVN cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
PV: Theo ông, EVN cần phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay?
GS.VS Trần Đình Long: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, là yếu tố đầu vào. Ngay từ việc tuyển chọn, EVN và các đơn vị thành viên phải thực hiện một cách nghiêm túc quy trình tuyển dụng. Quy trình cũng cần phải rất chặt chẽ, hiệu quả. Tập đoàn nên có các yêu cầu cụ thể với từng vị trí chức danh, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyên môn, nghiệp vụ. Không nên tuyển chung chung, rồi sau đó nơi nào thiếu thì phân bổ.
Hiện nay, một số đơn vị thuộc EVN đã có cách làm hay trong khâu tuyển dụng đầu vào, điển hình là Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0). Khi có nhu cầu về nhân sự, A0 sẽ làm việc với các trường đại học, từng bộ môn để đặt hàng từng vị trí, với số lượng và những yêu cầu cụ thể. Từ đó, các thầy giáo sẽ lưu ý, thông tin lại cho đơn vị về các ứng viên. Dù quyết định cuối cùng là của A0, nhưng nguồn thông tin từ chính cơ sở đào tạo cũng góp phần rất quan trọng, giúp các đơn vị tuyển chọn được những nhân lực có chất lượng.
Thứ hai, là công tác đào tạo, bồi dưỡng. Ngành Điện là một ngành có hàm lượng KHCN rất cao, liên tục có những ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Do vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ CBCNV phải được chú trọng và phải tổ chức thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, đội ngũ kĩ sư, công nhân lành nghề, cán bộ quản lý…, phải được tiếp cận kịp thời với những thông tin mới, công nghệ mới, nếu không sẽ bị lạc hậu.
Bên cạnh việc chủ động tổ chức các lớp, các khóa bồi dưỡng, đào tạo, EVN và các đơn vị trực thuộc cũng cần có các giải pháp, tạo được phong trào tự học, tự trau dồi, tự nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi CBCNV.
Thứ 3, là việc bố trí, sắp xếp lại lao động. Công nghiệp 4.0 là nền công nghiệp được tự động hóa ở mức rất cao. Kéo theo đó, một lực lượng lớn lao động phổ thông sẽ bị dư thừa, do công việc đã có máy móc thay thế. Riêng ngành Điện, hiện nay với việc hiện đại hóa hệ thống hạ tầng đo đếm, ứng dụng công nghệ điều khiển xa…, một bộ phận công nhân trước đây làm nhiệm vụ ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, trực vận hành tại các trạm biến áp… sẽ dư thừa. Phải sắp xếp lực lượng này vào vị trí nào, đào tạo ra sao để họ có thể đáp ứng được yêu cầu công việc mới, phát huy được năng lực là một “bài toán” không dễ đối với các nhà quản lý của EVN.
PV: Ông đánh giá thế nào về công tác đào tạo nguồn nhân lực của EVN?
GS.VS Trần Đình Long: Phải khẳng định rằng, thời gian qua, EVN cũng đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho CBCNV-LĐ. Tập đoàn và các đơn vị đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cho CBCNV-LĐ đi học tập kinh nghiệm ở các đơn vị trong nước cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới…
Tuy nhiên, khi công nghệ về tự động hóa, số hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống điện, EVN cần phải đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nếu không sẽ tụt hậu. Tôi rất mừng được biết, HĐTV EVN đã phê duyệt Đề án đào tạo chuyên gia. Đây là một việc làm rất cần thiết, bởi với một hệ thống điện lớn như hiện nay, EVN cần có đội ngũ chuyên gia nắm bắt, làm chủ được công nghệ mới, làm chủ được hệ thống thiết bị, có kỹ năng phân tích, chẩn đoán, nghiên cứu giải quyết một cách hiệu quả những tình huống phức tạp xuất hiện trong thực tế…
PV: EVN cũng đang triển khai chương trình đào tạo trực tuyến (E-leaning). Theo ông, phương thức đào tạo này liệu có phù hợp với một ngành đặc thù như ngành Điện?
GS.VS Trần Đình Long: Hình thức đào tạo và nâng cao nghiệp vụ rất đa dạng, phong phú. Từ lớp ngắn hạn đến dài hạn, từ việc đào tạo tại chỗ đến đào tạo từ xa, đào tạo qua truyền hình, đào tạo trực tuyến… Mỗi hình thức sẽ có một ưu/nhược điểm riêng.
Với E-Learning, tôi cho rằng, đây là một giải pháp tốt và cần khuyến khích, nhân rộng, bởi nó là vừa là xu thế trong giai đoạn phát triển của nền công nghiệp 4.0, vừa tiết kiệm chi phí cho đơn vị. Vấn đề quan trọng nhất, là phương thức tổ chức nội dung bài giảng, hệ thống công nghệ, các phương tiện kỹ thuật để học viên có thể nắm bắt bài giảng một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, cần lưu ý, ngành Điện là một ngành kỹ thuật đặc thù, nên với những nội dung đào tạo liên quan đến các thiết bị, cần cầm tay chỉ việc, nên ưu tiên hình thức đào tạo trực tiếp. Học viên cần được trực tiếp can thiệp vào các thiết bị, tự tay làm việc trên thiết bị. Những nội dung này, hình thức đào tạo E-learning có thể sẽ khó phát huy hiệu quả.
Dù hình thức đào tạo nào, thì công tác chuẩn bị giáo trình, bài giảng phải thật kĩ, nội dung phải phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng học viên, bởi kết quả cuối cùng và quan trọng nhất, là những kiến thức mà học viên được truyền đạt và tiếp thu được.
PV: Song song với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có, EVN cũng đang quản lý một số trường cao đẳng, dạy nghề... Ông đánh giá thế nào về chất lượng đào tạo tại các cơ sở này?
GS.VS Trần Đình Long: Không chỉ riêng các trường nghề trực thuộc EVN, mà công tác đào tạo nghề ở Việt Nam hiện nay nói chung vẫn còn yếu. Đa số sinh viên được đào tạo khi ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
PV: Vậy, Giáo sư có thể “hiến kế” gì để EVN nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở này?
GS.VS Trần Đình Long: Đối với các trường trực thuộc EVN, phục vụ nhu cầu của EVN, thì Tập đoàn nên đặt các “đầu bài”, đưa ra yêu cầu cụ thể về nhu cầu nhân lực ở từng giai đoạn cho từng cơ sở đào tạo. Cùng với Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc cũng cần có những “đặt hàng” tương đối cụ thể với các trường về số lượng nhân lực ở từng lĩnh vực, để các trường có định hướng trong công tác tuyển sinh cũng như quá trình đào tạo. Hơn nữa, những học viên khi vào học, sẽ yên tâm và nỗ lực hơn, khi biết rằng tương lai có thể sẽ được gắn bó với EVN.
Về phía nhà trường, cũng phải thường xuyên nắm bắt các thông tin, chủ động cập nhật vào các chương trình đào tạo cho sát thực tế của ngành Điện, giúp sinh viên khi ra trường có thể nắm bắt ngay được công việc, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
PV: Cùng với việc quản lý các cơ sở đào tạo, EVN cũng đang triển khai thành lập Trung tâm Đào tạo và Nghiên cứu khoa học. Ông đánh giá như thế nào về việc này?
GS.VS Trần Đình Long: Đây là một chủ trương rất đúng và cần thiết. Đối với một tập đoàn lớn như EVN, việc có một cơ sở vừa nghiên cứu vừa đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng và cấp thiết. Trung tâm này không phải là một nơi để các cán bộ, các giảng viên về đây nghiên cứu khoa học, hay tổ chức giảng dạy như một cơ sở đào tạo, mà là nơi để đưa ra các chủ trương, định hướng, giúp cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của Tập đoàn ngày càng hiệu quả hơn.
Điều quan trọng là, sau khi thành lập, EVN phải vận hành ra sao để Trung tâm hoạt động hiệu quả, không xảy ra tình trạng chạy theo quá nhiều nhiệm vụ khác, không liên quan đến mục tiêu ban đầu. Trên thực tế, ở một số đơn vị cũng đã xảy ra hiện tượng thành lập các trung tâm nghiên cứu, nhưng hoạt động kém hiệu quả, gây ra tình trạng lãng phí.
PV: Ông có điều gì muốn gửi đến thế hệ CBCNV-LĐ EVN hôm nay và mai sau?
GS.VS Trần Đình Long: Xã hội hiện nay đang phát triển với tốc độ rất nhanh, nếu không nỗ lực, tự trau dồi đạo đức, tự nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chúng ta sẽ tụt hậu. Do vậy, mỗi CBCNV-LĐ EVN hàng ngày, hàng giờ phải nỗ lực học tập, bắt kịp xu thế phát triển của xã hội nói chung, ngành Điện nói riêng.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!