Đảo xa hân hoan đón giá điện mới

Từ ngày 1/6/2014, giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được áp dụng tương tự như khu vực nối lưới điện quốc gia.

Theo đó, giá bán điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt dao động từ 800 – 4.000 đồng/kWh, giảm 5.000 – 6.000 đồng/kWh so với trước đây. Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới được thực hiện theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 7/4/2014. PV Thế giới điện ghi nhanh ý kiến, chia sẻ của đại diện chính quyền địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại một số huyện đảo.

Ông Trần Bút – Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: “Rút ngắn khoảng cách giữa các huyện đảo với đất liền”

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới của Thủ tướng Chính phủ tạo động lực cho xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn nói riêng và các huyện đảo trên cả nước nói chung phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa hải đảo với đất liền.
Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho người dân mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; mạnh dạn đầu tư, mua sắm thiết bị sản xuất hiện đại để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại… từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Linh - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: “Niềm vui lớn nơi đảo xa”

Được sử dụng điện với giá rẻ là “niềm vui lớn” đối với người dân huyện đảo Phú Quý - nằm cách đất liền 54 hải lý, nơi mà từ trước đến nay luôn phải sử dụng điện với giá cao.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7, thời gian cấp điện trên đảo Phú Quý sẽ tăng từ 16 giờ lên 24 giờ/ngày. Có điện lưới ổn định, cùng với những chuyến tàu cao tốc sẽ được triển khai trong thời gian tới, hứa hẹn tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch trên huyện đảo, đặc biệt đối với ngành chế biến hải sản. Đây thực sự là bước ngoặt lớn đối với người dân trên đảo Phú Quý.

Ông Nguyễn Văn Phú - Chủ DN kinh doanh chế biến thủy hải sản Phú Nuôi – huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: “Sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp trên đất liền”

Trước đây, các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản trên đảo Phú Quý thường phải mua dầu để chạy máy phát phục vụ sản xuất vì điện cấp không đủ công suất, giá cao và chỉ cấp 16 giờ/ngày. Chi phí điện năng cao (chiếm 1/3 tổng chi phí sơ chế thủy sản), kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cao.
Bây giờ, giá điện mới bằng giá trên đất liền, điện được cấp đủ 24 giờ trong ngày. Đây chính là cơ hội “đổi đời” cho người dân trên đảo. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp kinh doanh chế biến thủy hải sản, chúng tôi có thể chủ động trong đầu tư cũng như chế biến, sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các doanh nghiệp trên đất liền.

Chị Hoàng Phi Yến – Chủ khách sạn Phi Yến, thị trấn Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Giá điện giảm, giá thuê phòng sẽ giảm”

Không chỉ giới kinh doanh khách sạn, du lịch trên đảo như chúng tôi mà tất cả người dân, tổ chức kinh doanh mọi ngành nghề tại đây đều mong muốn được mua điện với giá điện bằng với giá bán ở đất liền. Bởi lâu nay chi phí giá điện tại Côn Đảo cao gấp ba lần đất liền, từ đó đẩy giá dịch vụ lên cao. Nếu giá điện giảm từ hơn 8.000 đồng/kWh xuống còn 2.400 đồng/kWh như trên đất liền, chắc chắn chúng tôi sẽ giảm giá cho thuê phòng. Hiện tại, khách sạn đang xây dựng kế hoạch mở đợt giảm 30 - 50% giá phòng, cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách du lịch tới đảo.


  • 01/07/2014 10:24
  • Theo TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 2394


Gửi nhận xét